Không đấu thầu xây sân thi đấu SEA Games 31

13/06/2017 08:51 GMT+7

Theo đề án xin đăng cai SEA Games lần thứ 31 vào năm 2021 của TP.HCM, sẽ xây mới sân vận động quy mô 50.000 chỗ ngồi và quan trọng là không có đấu thầu.

Ngày 21.6, lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM sẽ có cuộc làm việc với Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT về đề án đăng cai SEA Games 31. Theo dự thảo đề án, nếu được Chính phủ đồng ý, TP.HCM dự định sẽ tổ chức SEA Games 31 vào tháng 8.2021 với 36 môn. Kinh phí tổ chức khoảng 1.000 tỉ đồng; kinh phí cải tạo cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước, ngân sách thành phố và tỉnh Bình Dương (TP.HCM dự kiến sẽ phối hợp với vệ tinh này để tổ chức ở khoảng 40 - 50 nhà thi đấu, công trình thể thao) cũng vào khoảng 1.000 tỉ đồng. Hiện tại, để gánh chi phí cho đơn vị đăng cai, đã có 4 nhà đầu tư sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng tại khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc 4 công trình lớn: sân đua xe đạp lòng chảo, Nhà thi đấu Thái Sơn Nam, học viện bóng đá và đặc biệt là sân vận động tầm cỡ châu Á với 50.000 chỗ ngồi.
Ngành thể thao sẽ phụ trách phê duyệt thiết kế sân còn doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm xây dựng công trình chứ không qua hình thức đấu thầu như thời kỳ xây sân Mỹ Đình phục vụ SEA Games 22 năm 2003. Thành phố cũng như đối tác chưa lập dự toán khoản tiền xây sân cụ thể là bao nhiêu, nhưng có thể trên dưới 3.000 tỉ đồng. Một lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cho biết: “Xây sân bóng và các nhà thi đấu không qua đấu thầu sẽ giúp doanh nghiệp liên kết với ngành TDTT nỗ lực hơn trong việc đảm bảo chất lượng công trình cũng như kinh phí đầu tư, tránh những trường hợp rủi ro không cần thiết”.

tin liên quan

Nước chủ nhà SEA Games 29 theo dõi sát sao U.22 Việt Nam
Còn khoảng 3 tháng nữa tới kỳ SEA Games 2017, nhưng từ bây giờ đội chủ nhà U.22 Malaysia đã sớm tìm hiểu cặn kẽ nội tình các đối thủ sẽ cạnh tranh chiếc huy chương vàng (HCV) môn bóng đá nam.
Vấn đề nan giải nhất hiện tại là khâu giải tỏa mặt bằng ở khu Rạch Chiếc, tuy nhiên theo khẳng định của phía lãnh đạo ngành TDTT TP.HCM thì: “Nếu làm quyết liệt thì có thể lấy được mặt bằng được trong quý 1/2018. Chúng tôi sẽ cố gắng khẩn trương giải quyết, nếu không sẽ khó kịp cho SEA Games vì còn phải có thời gian để vận hành thử các công trình”.
Năm 2003, VN đăng cai SEA Games 22 với tổng kinh phí 5.000 tỉ đồng (khoảng 250 triệu USD), trong đó 1.000 tỉ đồng cho việc xây sân Mỹ Đình, 800 tỉ đồng xây cung thể thao dưới nước. Singapore tổ chức SEA Games 28 với 240 triệu USD, Myanmar tổ chức SEA Games 27 với gần 400 triệu USD, Indonesia đăng cai năm 2011 với hơn 300 triệu USD. Vì vậy nếu TP. HCM liên kết Bình Dương tổ chức mà kinh phí (cải tạo, xây mới và chi phí tổ chức...) chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng là con số chấp nhận được, và từ đó sẽ nâng vị thế của thể thao VN và bộ mặt của TP.HCM cũng như các vệ tinh lân cận trên đấu trường quốc tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.