Không để ASEAN bị “pha loãng” bởi nước lớn

17/11/2011 01:20 GMT+7

ASEAN đã chuẩn bị một bộ quy tắc để ràng buộc hành vi của các cường quốc nếu họ có ý đồ sử dụng vũ lực trong khu vực hay chia rẽ ASEAN.

ASEAN đã chuẩn bị một bộ quy tắc để ràng buộc hành vi của các cường quốc nếu họ có ý đồ sử dụng vũ lực trong khu vực hay chia rẽ ASEAN.

Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Indonesia, nước chủ nhà hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 6 diễn ra vào ngày 19.11 tới, nói rằng bộ Quy tắc Bali gồm 12 - 13 điều sẽ đóng vai trò giữ gìn an ninh trong khu vực, tránh việc các nước lớn dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. EAS lần này có sự tham dự lần đầu của Mỹ và Nga, bên cạnh Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN.

Khu vực ASEAN, và rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương, gần đây có những chuyển biến gây quan ngại, đặc biệt là căng thẳng trên biển Đông. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo cuối ngày 16.11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 về khả năng vũ lực được sử dụng trong cuộc tranh chấp này, ông Natalegawa nói rằng: “ASEAN chủ trương tạo dựng một tiến trình hòa bình”. Tiến trình đó bao gồm việc thúc đẩy Trung Quốc thông qua bản Hướng dẫn thực thi Tuyên bố về Quy tắc ứng xử biển Đông hồi tháng 7 và đang khởi động quá trình đi đến một bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) phù hợp với công pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. “ASEAN sẽ không dùng vũ lực, bởi đó là biểu hiện của sự yếu kém. Chúng ta chủ trương giải quyết bằng ngoại giao, một cách tự tin. Vì thế, phía nào sử dụng vũ lực sẽ bị loại khỏi tiến trình này”, ông nói.

Mới đây, việc Mỹ tuyên bố sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ ở Úc cũng được nhìn nhận là một diễn biến có tính chất đối kháng với Trung Quốc. Nhưng, ông Natalegawa nói rằng đó là một vấn đề song phương giữa Úc và Mỹ, mà ASEAN sẽ không bị cuốn vào. Mặt khác, động thái này, theo ông, “không có tính chất gây hấn”, “không có ý đồ đen tối”, mà rất minh bạch.

Tuy vậy, để tránh các nước lớn, kể cả Trung Quốc, có những hành động gây căng thẳng trong khu vực, bộ Quy tắc Bali, dự kiến sẽ được 18 quốc gia EAS ký thông qua vào ngày 19.11, sẽ có vai trò “kiểm soát hành vi” của các thành viên tham gia.

Ông Natalegawa cũng bác bỏ lập luận cho rằng việc mời Mỹ và Nga tham gia EAS sẽ làm mất đi tính tập trung của ASEAN. Ông nói, ASEAN sẽ đóng vai trò nối kết các nước ngoài khu vực, nhưng “sẽ không bị pha loãng”, bằng cách đặt ra những quy tắc của mình mà các nước tham gia phải tuân thủ. Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ASEAN mà Brazil là thành viên mới nhất ký thỏa thuận tham gia hôm 16.11 là một ví dụ. Thỏa thuận sắp được ký với 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân về một ASEAN phi vũ khí hạt nhân cũng thể hiện vai trò tự chủ của khối.

Hôm qua, Hội đồng điều phối ASEAN cũng đã thống nhất ủng hộ Myanmar giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014. Quyết định chính thức sẽ được nguyên thủ 10 nước ASEAN đưa ra trong cuộc họp cấp cao ngày 17.11.

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á đã đến Bali. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Cùng ngày, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng ký với Bộ trưởng Công thương Indonesia Gita Wirjawan thỏa thuận xuất khẩu gạo sang nước này.

Theo TTXVN, sáng 16.11, tại Bali diễn ra lễ ký thỏa thuận thành lập Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á (ASEAN SAI). Cơ quan Kiểm toán Indonesia và Brunei là Chủ tịch và Phó chủ tịch ASEAN SAI nhiệm kỳ 2011-2013; Kiểm toán Nhà nước Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban Lập kế hoạch chiến lược của ASEAN SAI.

Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.