Không để bát nháo livestream trên mạng xã hội

14/07/2021 06:09 GMT+7

Các công ty công nghệ sở hữu các mạng xã hội , chia sẻ video trực tuyến đình đám như: Facebook, YouTube, TikTok... đã đem đến nhiều tiện ích cho người dùng, nhưng không thiếu hệ lụy. Một trong những hệ lụy này là livestream bát nháo.

Thanh Niên vừa có bài viết Hết thời tự do livestream, kiếm tiền online?, đề cập Bộ TT-TT đang lấy ý kiến công khai dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet; trong đó đề cập nghĩa vụ của nhà cung cấp và quyền của người dùng. Dự thảo nghị định cũng quy định chỉ cho phép các kênh, tài khoản đã thông báo với Bộ TT-TT mới được cung cấp dịch vụ phát trực tuyến (livestream) và dịch vụ có phát sinh doanh thu. Đặc biệt, chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về nội dung, lẫn bình luận của người dùng.

Chán ngấy với chiêu trò livestream lố lăng

Đa số bạn đọc (BĐ) đều ủng hộ cơ quan chức năng theo hướng quản lý chặt hình thức livestream trên mạng xã hội. Theo BĐ, thời gian qua, những người dùng mạng xã hội có trách nhiệm đã chán ngấy với “chiêu trò lố lăng” của một bộ phận không nhỏ người dùng, gồm nhiều thành phần, từ ăn mặc hở hang livestream bán hàng để được nhiều khách “chốt đơn”, học sinh tuổi đôi mươi đăng đàn chửi nhau... cho đến chuyện một số kẻ khoác “mác” nghệ sĩ kích động, “truyền lệnh” cho người hâm mộ “truy sát” người có hiềm khích với mình...
Nếu làm được như dự thảo thì quá tốt vì “rác” trên mạng xã hội giờ nhiều quá.

Lê Nhân Thiện

Phải xử nghiêm những người cố tình livestream để chửi nhau, lôi kéo, khoe thân… Tóm lại, livestream “bẩn” là phải khóa kênh, phải phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự.

Văn Minh

Nhà nước cần siết chặt quản lý để loại bỏ những thông tin sai lệch, lừa đảo và gây bất ổn cho xã hội bởi có rất nhiều hình thức vô nghĩa.

Phan Luan

“Tôi đồng ý với việc nhà nước quản lý dịch vụ livestream. Ai muốn mua bán hoặc làm bất kỳ thứ gì trên mạng xã hội đều phải đăng ký, phải được phép của cơ quan chức năng; không phải “mình thích thì mình làm thôi”, vì như thế sẽ biến không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, thành “bãi rác” khổng lồ. Không cơ quan nào quản lý sẽ khiến một số kẻ tự tung, tự tác...”, BĐ Nga Ly ý kiến.
Đồng tình với chủ trương siết chặt quản lý livestream trên mạng xã hội, BĐ Kì Lân phân tích thêm: “Trước tình trạng bát nháo hiện nay, đã đến lúc phải có quy định cụ thể về việc cá nhân sử dụng mạng xã hội nói chung (không chỉ việc livestream). Không thể để tình trạng cá nhân nào cũng như một “kênh truyền hình”, livestream nói đủ thứ hầm bà lằng, từ bán hàng, quảng cáo sản phẩm; xâm phạm đời tư; chửi rủa, bêu xấu, nhục mạ người khác; rồi tự “điều tra”, “phá án”, phán như đúng rồi... làm cho thông tin nhiễu loạn, gây hoang mang trong xã hội”.

Quản chặt nhưng không cực đoan

Nhiều BĐ cũng cho rằng hình thức livestream bán hàng online trên mạng xã hội cũng cần được nhìn nhận công bằng. Cụ thể, cá nhân, công ty, tổ chức muốn mua bán phải đăng ký; hàng hóa phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; phải được phép của cơ quan chức năng và nộp thuế để nhà nước không thất thu thuế; đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng giữa hình thức bán hàng trực tuyến và bán hàng theo kiểu truyền thống. Một luồng ý kiến khác cũng được đa số BĐ ủng hộ, đó là người livestream phải chịu trách nhiệm đối với những gì mình nói, hàng mình bán... gồm cả comment (bình luận) của những người khác trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Bên cạnh đó, BĐ cũng cho rằng, siết chặt quản lý, tăng hình phạt để có tính răn đe, nhưng tuyệt đối không “cực đoan” theo kiểu “cái gì không quản lý được là cấm”, bởi mạng xã hội hoặc hình thức livestream, nếu được sử dụng phù hợp, đúng quy định, pháp luật vẫn có thể phát huy lợi ích trong “thời đại công nghệ 4.0”. Điều quan trọng phải có chế tài xử phạt thật nặng người vi phạm, vì “mức phạt nhẹ quá thì chẳng răn đe được ai và chẳng ai sợ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.