Lăng kính bạn đọc:

Không để lãng phí cầu vượt bộ hành

07/05/2023 06:48 GMT+7

Loạt bài 'Ngó lơ cầu, hầm đi bộ' trên thanhnien.vn nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Nhiều người cho rằng cần xem xét, đánh giá lại tổng thể cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ, qua đó có giải pháp để các công trình này phát huy tác dụng.

Theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên khi thực hiện loạt bài Ngó lơ cầu, hầm đi bộ, ở những đô thị lớn, cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ được thiết kế để người đi bộ có thể đi qua phía bên kia đường một cách an toàn. Thế nhưng, nhiều người đã phớt lờ, vẫn băng lòng đường, bất chấp tai nạn có thể xảy ra.

Số liệu của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP đã ghi nhận 41 vụ tai nạn giao thông liên quan người đi bộ, khiến 10 người tử vong, 20 người bị thương. Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM (đơn vị đang quản lý 30 cầu đi bộ nằm trên một số tuyến đường) cho biết, bên cạnh những cầu đi bộ sử dụng hiệu quả, thì có một số cầu chưa phát huy được tác dụng.

Lăng kính bạn đọc: Không để lãng phí cầu vượt bộ hành - Ảnh 1.

Bệnh nhân cùng người nhà dắt tay nhau băng qua đường trước cổng Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (H.Thanh Trì, Hà Nội), dù cách đó không xa là cầu vượt bộ hành

NGUYỄN TRƯỜNG

THIẾT KẾ CẦU KHÔNG PHÙ HỢP?

Nhiều bạn đọc (BĐ) chỉ ra nguyên nhân "một số cầu chưa phát huy được tác dụng". BĐ H.L.K viết: "Dưới thời tiết nắng nóng như ở VN nói chung, TP.HCM nói riêng, cầu vượt bộ hành không có mái che đã là một thất bại, không có thang máy là thất bại thứ hai. Đối với nhiều người, điều này không khác gì hành xác gấp đôi khi leo lên cầu thang giữa trời nắng nóng, do vậy mà không ít người có tâm lý "bất chấp băng dưới đường cho nhanh". Ngoài ra, các khu vực tiếp cận không có hạ tầng thu hút (mái che, trạm xe, cây xanh, vỉa hè, trung tâm thương mại, nhà vệ sinh công cộng...) là thất bại thứ ba và còn nhiều nữa. Trước tiên cần nhìn nhận lại tất cả vấn đề của các cầu bộ hành cũ, khảo sát nhu cầu, nâng cấp thí điểm một số theo các tiêu chí đáp ứng đa số nhu cầu, nếu kết quả tốt thì mới nhân rộng và triển khai nhiều hơn".

BĐ Tuấn Trần cũng góp ý: "Nên đầu tư chi phí lắp bộ pin năng lượng mặt trời phía trên các cầu vượt bộ hành, kết hợp với giàn hoa, cây treo, dây leo... vừa để che mát, tạo mảng xanh, vừa dùng phát điện chiếu sáng giao thông, chiếu sáng nghệ thuật kết hợp quảng cáo có thu phí. Đồng thời, thiết lập nhiều hàng rào cứng, mềm ngăn cách bằng cây xanh có khả năng chịu nắng hạn (hoa giấy, xương rồng, lưỡi hổ...) tạo thêm mảng xanh đô thị; hạn chế người đi bộ băng ngang đường, gây nguy cơ tai nạn giao thông".

Lăng kính bạn đọc: Không để lãng phí cầu vượt bộ hành - Ảnh 2.

Tiểu thương bày hàng hóa lấp đường dẫn lên cầu bộ hành số 4 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM)

TRẦN DUY KHÁNH

Xử phạt phải nghiêm minh

Bên cạnh "lỗi" thiết kế, rất nhiều BĐ cho rằng nguyên nhân chủ yếu còn có ý thức về tuân thủ luật giao thông của người đi bộ chưa cao.

Theo đó, tại những con đường đông xe cộ qua lại, dù có dải phân cách cứng nhưng người đi bộ vẫn cố tình băng qua đường giữa dòng xe đông đúc, lưu thông với tốc độ cao... trong khi cầu vượt bộ hành nằm cách đó không bao xa. Do vậy, theo BĐ Pham Anh Tuan: "Phải xây dựng thói quen qua đường bằng cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ. Thiết kế cầu hầm đi bộ VN nên kết hợp nhà vệ sinh công cộng, máy bán nước tự động... Cần có sự quản lý của nhà nước, giữ vệ sinh, tránh để xả rác phóng uế tùy tiện trên cầu".

BĐ Trịnh Cường cũng chỉ ra thực trạng liên quan đến cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ hiện nay: "Thứ nhất, ý thức tự giác chấp hành của người qua đường không tốt. Thứ hai, không có ai canh để phạt. Thứ ba, một số người chỉ vì tiện cho cá nhân mà không biết mình gây phiền cho nhiều người, xem thường an toàn cho chính mình và có khi khiến người tham gia giao thông chịu tai nạn oan...".

BĐ T.Minh cho rằng nên chỉnh sửa luật Giao thông đường bộ, xử phạt nghiêm người đi bộ sai quy tắc an toàn giao thông, khi có tai nạn xảy ra bất kể là với người đi bộ, bên nào sai bên đó chịu.

Cầu vượt bộ hành không nên thiết kế có độ dốc quá cao và bước quá lớn, bởi nếu vậy thì sao người già hay trẻ nhỏ đi được? Ngoài ra, còn vấn nạn kim tiêm do người nghiện bỏ lại ở một số cầu vượt; lực lượng chức năng có đuổi thì những người này lại tụ tập chỗ khác. Cần biện pháp triệt để xử lý vấn nạn tiêm chích này. Bên cạnh đó, xây cầu bộ hành, hầm đi bộ cần đúng vị trí người dân cần, chứ xa quá cũng rất bất tiện...   

Phạm Tân

Tôi hoan nghênh loạt phóng sự về cầu đi bộ của Báo Thanh Niên, giúp cho người đi bộ ý thức hơn khi phải qua đường. Tôi đề nghị Báo Thanh Niên phản ánh thêm về việc có các gầm cầu bị chiếm dụng làm nơi buôn bán hoặc giữ xe ô tô... vì nếu có cháy nổ thì chắc cầu hết sử dụng được.   

Robin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.