Cải cách không ngừng
“Bộ Công thương đã đi đầu trong đợt 1 về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, là bộ đầu tiên trình Chính phủ dự thảo nghị định, phương án tiếp tục cắt giảm thêm 202 điều kiện đầu tư kinh doanh, sẽ được triển khai đồng loạt trong năm tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Một trọng tâm khác là triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh xuất xứ hàng hóa. Tương tự, xuất nhập khẩu dù là điểm sáng trong năm 2019 với kim ngạch lần đầu vượt 516 tỉ USD nhưng phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, trên cơ sở tái cơ cấu các ngành sản xuất, các ngành kinh tế, các ngành công nghiệp để tham gia thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hài lòng khi ngành công thương tiếp tục tiên phong ban hành phương án về cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh (giai đoạn 2). “Ví dụ như hôm nay, việc Bộ Công thương khai trương cấp C/O điện tử - một thủ tục có tác động lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu, được chờ đợi là rất đáng biểu dương. Hay như trong lĩnh vực điện, đã đưa cả 12 thủ tục lên cổng dịch vụ quốc gia. Chứ tôi nhớ hồi trước, tỉnh đi xin 1 trạm trung áp mà mất đến 2 tháng, chạy qua chạy lại nhiều lắm”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, 2019 là một năm thành công của công tác phòng vệ thương mại, khi chúng ta dù đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhưng đã thành công với việc nhiều mặt hàng giành được các ưu đãi thuế như tôm, cá da trơn...
Với thành tích tăng trưởng kinh tế năm 2019, Thủ tướng cho rằng “đóng góp của ngành công thương là không thể bàn cãi” với kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục, xuất siêu 10 tỉ USD.
Giám đốc sở vẫn còn lơ mơ về hội nhập
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019, khu vực công nghiệp ước tăng khoảng 8,9%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018, trong đó có 32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Thặng dư thương mại (xuất siêu) năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4,9 triệu tỉ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra năm 2019 là tăng 11,5 - 12% so với năm 2018.
Năm 2019, Bộ Công thương cũng đã hoàn thành chương trình giai đoạn 2 cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh với 202 điều kiện kinh doanh, chiếm 36% trong tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh và hoàn thành dự thảo nghị định điều chỉnh cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đang trình lên Thủ tướng sớm ban hành. Đã có hơn 292 dịch vụ công của ngành công thương được đưa lên dịch vụ công trực tuyến và trong đó 166 dịch vụ đang ở cấp độ 3 và 4.
|
Để làm điều đó, Thủ tướng lưu ý ngành công thương cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách dài hạn, nhất quán, hướng tới tăng trưởng ổn định, phân bổ sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Phải đi đầu trong giải quyết quy hoạch, không vì quy hoạch mà ách tắc phát triển. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu công nghiệp, tăng năng suất lao động, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Thủ tướng cũng cho biết khi ông còn làm lãnh đạo địa phương hơn 10 năm trước, cựu Bộ trưởng Thương mại khi đó là ông Trương Đình Tuyển rất hay xuống địa phương để nói chuyện đàm phán, hội nhập. “Nhưng hiện nay có vẻ nhiều giám đốc Sở công thương vẫn còn lơ mơ lắm”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cho rằng Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu rất lớn, trong khi thị trường bán lẻ rất sầm uất. Do đó, Bộ Công thương cần tổ chức tốt thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa mạnh, hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam, không được để mất thị trường bán lẻ nội địa.
Bình luận (0)