Không để nhóm lợi ích chi phối doanh nghiệp

18/06/2014 03:00 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này phải bổ sung những quy định thật rõ ràng, chặt chẽ và công khai minh bạch hóa để đảm bảo quyền lợi của đại đa số cổ đông nhỏ lẻ.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này phải bổ sung những quy định thật rõ ràng, chặt chẽ và công khai minh bạch hóa để đảm bảo quyền lợi của đại đa số cổ đông nhỏ lẻ.

Không để nhóm lợi ích chi phối doanh nghiệp
Nhiều đại biểu đề nghị cần đảm bảo quyền lợi cho đa số cổ đông nhỏ của DN - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại phiên thảo luận ngày 17.6 góp ý cho dự thảo luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi đã xuất hiện một số ý kiến đáng chú ý về lợi ích nhóm, thâu tóm DN.

Phải có chế định bảo vệ nhà đầu tư nhỏ

Luật phải có chế định bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, tránh tình trạng các cổ đông lớn tham gia HĐQT, chi phối các hoạt động của công ty vì lợi ích nhóm riêng của mình gây bất an cho xã hội

ĐB Vũ Viết Ngoạn

Theo đại biểu (ĐB) Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự thảo quy định công ty cổ phần được lựa chọn mô hình quản trị đa hội đồng khi có 30% thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) không điều hành và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT. Trong trường hợp này, các thành viên không điều hành sẽ thực hiện giám sát và kiểm soát hoạt động quản lý là không phù hợp với điều kiện, bối cảnh của kinh tế thị trường.

“Khi thị trường tài chính phát triển, những công ty lớn có hàng trăm ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ thì chúng ta phải hài hòa giữa lợi ích của họ với các cổ đông lớn. Luật phải có chế định bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, tránh tình trạng các cổ đông lớn tham gia HĐQT, chi phối các hoạt động của công ty vì lợi ích nhóm riêng của mình gây bất an cho xã hội”, ông Ngoạn nói. Từ đó, ông Ngoạn đề nghị trong mô hình công ty phải có Ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu ra với nhiệm vụ giám sát cả HĐQT và tổng giám đốc. 

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank), cũng cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu thực có. “Các cụ chúng ta có câu có bột mới gột nên hồ, nhưng thực tế nhiều DN hiện nay không có nổi 20 - 30% vốn điều lệ. Đi vay tiền ngân hàng để khai vốn, 1 - 2 tháng sau là âm. Tình trạng này khiến hằng năm có hàng chục ngàn DN giải thể, phá sản tạo ra vốn ảo của DN gây mất ổn định và bền vững của nền kinh tế”, ông Hùng nói.

Tránh lạm dụng “tự do kinh doanh”

Góp ý về nội dung DN được tự do ngành nghề pháp luật không cấm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá quy định này đã tạo bước đột phá. Tuy nhiên, ông đề nghị cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi lần này.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng khi đã mở quyền tự do kinh doanh thì phải rà soát lại quy định tại các luật khác, rồi văn bản dưới luật để giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng luật DN mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại. Để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng, không làm phương hại tới lợi ích xã hội, ông Lộc đề nghị luật cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với DN ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật.

Liên quan đến ngành nghề kinh doanh và nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông Lộc đánh giá Ban soạn thảo đã đột phá trong việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký DN. Tuy nhiên, đối với các ngành nghề cấm, đề nghị cần quy định trong luật các danh mục. Danh mục phải được cập nhật thường xuyên để có thể đưa tất cả các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo các thay đổi pháp luật chuyên ngành ở các luật.

Nhiều Việt kiều không biết có quy định về đăng ký giữ quốc tịch

Trong phiên làm việc buổi chiều qua, QH thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quốc tịch VN. Chỉ có bốn ĐB đề nghị bãi bỏ khoản 2 điều 13 của luật Quốc tịch năm 2008 bởi theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch VN mới có trên 6.000 người làm thủ tục. Lý do nhiều người Việt ở nước ngoài cho rằng việc còn quốc tịch VN là điều đương nhiên, không ai có thể bị tước mất quốc tịch, như vậy sẽ trái với Hiến pháp. Ngoài ra, nhiều người đã có quốc tịch sở tại nên không có nhu cầu cấp thiết đăng ký giữ quốc tịch VN; không biết có quy định về đăng ký giữ quốc tịch trong vòng 5 năm theo luật Quốc tịch năm 2008.

Với 86,75% số phiếu tán thành, sáng qua QH đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giao thông đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015). Theo đó, luật mới bổ sung 25 điều như hoạt động giao thông đường thủy nội địa; phát triển giao thông đường thủy nội địa... Điểm đáng chú ý là các phương tiện giao thông đường thủy nội địa phải đăng ký lại trong các trường hợp chuyển quyền sở hữu; thay đổi tên, tính năng kỹ thuật...

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.