Không để nông dân đơn độc trong hạn mặn

Đình Tuyển
Đình Tuyển
03/04/2020 00:00 GMT+7

.Sự chủ động của người dân trong sáng tạo canh nông, chuyển đổi cây trồng , vật nuôi đã mang đến những chuyển biến tích cực cho ĐBSCL khi ứng phó với hạn, mặn. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, “bàn tay” kiến tạo của nhà nước là đặc biệt quan trọng.

Nếu 2016 được xem là năm hạn mặn khốc liệt trăm năm mới có một lần thì 4 năm sau, mọi kỷ lục khốc liệt đã bị phá vỡ. Nhưng chính trong khốn khó, sự chủ động của người dân đã mang đến những chuyển biến tích cực cho đồng bằng. Đến nay, theo ghi nhận của Bộ NN-PTNT, ĐBSCL có 39.000 ha lúa bị thiệt hại, trong khi con số này của năm 2016 lên đến 405.000 ha. Khó có thể lấy thiệt hại để minh chứng cho sự thành công, nhưng rõ ràng con số trên là đáng ghi nhận. Bởi sự chủ động trong cảnh báo, dịch chuyển lịch thời vụ né mặn đã giúp hơn 1,5 triệu ha lúa đông xuân của nông dân ĐBSCL gặt hái an toàn, được giá. Cùng với đó, đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sáng tạo ứng phó với hạn mặn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả bền vững, người nông dân ĐBSCL rất cần sự ổn định đầu ra nông sản và những hoạch định sản xuất lâu dài.

Giảm lúa sang màu nhưng sợ “bí” đầu ra

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết ở Sóc Trăng năm nay chuyển biến lớn nhất của người nông dân để ứng phó với tình hình hạn mặn là giảm đáng kể sản xuất lúa vụ 3 (tức vụ xuân hè), đặc biệt là vùng ngọt hóa ven biển. Trong đó có thể kể đến 22.000 ha đất ruộng ở H.Trần Đề, hơn 42.000 ha ở vùng Long Phú - Tiếp Nhật. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng được người dân tích cực triển khai. Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh này cho thấy, con số chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong thực tế cao hơn rất nhiều so với kế hoạch địa phương đặt ra. Như năm 2018 kế hoạch chuyển từ đất lúa sang cây trồng khác của tỉnh Sóc Trăng chỉ là 2.000 ha, nhưng thực tế nông dân đã chuyển đổi được 8.815 ha; trong đó, đất lúa sang cây trồng hằng năm (bí, dưa hấu, rau màu, khổ qua…) là 2.506 ha, cây lâu năm 301 ha, nuôi thủy sản khoảng 6.008 ha. Năm 2019, kế hoạch chuyển đổi chỉ có 1.700 ha nhưng thực tế bà con cũng mạnh dạn chuyển đổi tới 4.192 ha, trong đó từ lúa sang cây hằng năm 998 ha, nuôi trồng thủy sản 2.853 ha…

Ruộng rau giữa đồng khô hạn của ông Lâm Tal ở xã Long Phú, H.Long Phú (Sóc Trăng)

Cũng theo ông Phước, vào mùa hạn mặn, nếu không xuống giống lúa vụ 3 thì hệ thống thủy lợi của tỉnh hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo nguồn nước cho người dân chuyển đổi sang cây màu, cây ăn trái. “Lý do là hiệu suất sử dụng nước của lúa rất khủng khiếp. 1 ha lúa sẽ cần tới 4.000 m3 nước/vụ 3 - 4 tháng; trong khi đó cùng diện tích trồng dưa, bí, rau màu hay cây ăn trái chỉ cần 600 - 800 m3 cho khoảng thời gian tương đương”, ông Phước nói và cho rằng việc giảm lúa chuyển sang cây trồng khác cho thấy nông dân rất nhạy bén và không ngại chuyển đổi.
Tuy nhiên, có một điều nông dân luôn lo lắng, đó là thị trường tiêu thụ. Các loại nông sản do nông dân sản xuất ra nhìn chung giá cả trồi sụt thất thường. “Chính vì lẽ đó, mùa hạn mặn chúng tôi khuyến khích nông dân trồng màu cũng có mức độ vì đầu ra chưa đảm bảo, nhất là cây trồng cạn như dưa hấu chẳng hạn. Toàn tỉnh hiện có 915 ha, đã thu hoạch 439 ha, con số này không đáng lo nhưng nếu chỉ cần tăng diện tích lên chừng 4.000 ha là chúng tôi mệt bởi tìm đầu ra sẽ rất khó khăn”, ông Phước nói.
Cũng như Sóc Trăng, hầu hết các địa phương ở ĐBSCL đều gặp “nút thắt” đầu ra thiếu ổn định. Từ đó, tác động không nhỏ tới việc chuyển đổi cây trồng mùa hạn mặn. Ngay cả việc chuyển sang cây ăn trái cũng còn rất nhiều khó khăn. Cả khu vực có tới hơn 350.000 ha cây ăn trái, chiếm khoảng 35% diện tích và 50% về sản lượng trái cây của cả nước. Nhưng việc lựa chọn chủng loại trái cây và đặc biệt là quy mô, diện tích, sản lượng đồng đều đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính vẫn là những hạn chế khó khắc phục.
Sống chung với hạn mặn: Cần sự kiến tạo của nhà nước

Ông Lê Văn Tám ở H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và vườn bưởi da xanh tươi tốt giữa mùa hạn mặn

Đừng để nông dân đơn độc

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu ở ĐBSCL, cho rằng người nông dân miền Tây đã có những chuyển biến để thích nghi với tình hình, nhưng hơn hết họ vẫn cần sự kiến tạo từ nhà nước. Nông dân dù sáng tạo đến mấy cũng không thể một mình ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn mặn. “Từ mùa hạn mặn này, cũng cần nhìn nhận tổng thể để thấy được sự chuyển biến của ĐBSCL kể từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ (về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu). Đây thực sự là cuộc cách mạng lịch sử nông nghiệp ĐBSCL khi gỡ kim cô áp đặt xuống cây lúa cả về diện tích và sản lượng”, GS Xuân nói và cho rằng nếu trước đây các địa phương luôn phải tính toán làm sao đạt diện tích, sản lượng lúa, đảm bảo GDP cho tỉnh, thì nay nông dân được khuyến khích sáng tạo, chuyển đổi cây trồng bớt phụ thuộc vào cây lúa. Song cái khó của người nông dân là phát triển còn lẻ tẻ, không có đủ kinh phí, nguồn lực để đầu tư một cách bài bản. Rất ít nông dân có thể tích tụ ruộng đất nhiều để cơ giới hóa, trong khi đó các mô hình hợp tác xã cũng chưa được phát huy. “Nghị quyết 120 đã có hơn 2 năm nay nhưng tại sao hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Cái thiếu ở đây là các bộ ngành, địa phương chưa cụ thể được Nghị quyết 120 bằng việc định hình cụ thể những cây, con phù hợp giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn. Đồng thời tổ chức sản xuất đảm bảo đầu ra cho sản phẩm”, GS Xuân nói.

Áp dụng “3 chuyển dịch” trong sản xuất

Theo tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, ở ĐBSCL hệ thống thủy lợi lâu nay chủ yếu là để “thoát lũ”, giờ đây nên chuyển sang “trữ ngọt” và dùng nước tiết kiệm. Tư duy đó cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.
Chia sẻ về những định hướng lâu dài, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng ĐBSCL nên được xếp thành 3 vùng thuận theo những điều kiện tự nhiên đặc thù. Đó là “vùng nước ngọt” (như An Giang, Đồng Tháp, Long An, một phần Kiên Giang…), là vùng có nước ngọt quanh năm sẽ đảm bảo nhiệm vụ an ninh lương thực. Kế đến là vùng giữa đồng bằng, khu vực có thể tập trung cho trái cây đặc sản, thủy sản nước ngọt… Cuối cùng là vùng ven biển, có thể phát huy những mô hình một vụ lúa vào mùa mưa, nuôi tôm, cua, cá kèo… phát huy một số cây trồng chống chịu mặn… Theo GS Xuân, chính sách giảm diện tích trồng lúa theo Nghị quyết 120 để thay bằng những cây/con giá trị cao là hướng đi bền vững, giữ môi trường ô nhiễm tối thiểu, sản xuất những sản phẩm hữu ích cho xã hội và nâng cao lợi tức cho người nông dân một cách ổn định. Dẫu vậy, những lợi ích này chỉ thực hiện được bằng những chương trình phát triển đồng bộ mà vai trò của nhà nước là kiến tạo lại cấu trúc hạ tầng cho cây lúa bằng những cấu trúc cho cây trồng hoặc vật nuôi khác thích hợp cho từng vùng sinh thái. Ở đó, sự tham gia của các doanh nghiệp có đầu ra hợp tác chặt chẽ với tập thể nông dân (hợp tác xã kiểu mới, hội trang trại...) mang tính quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.