(TNO) "Chúng ta phải thoát ly, không để quá lệ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ hay bất cứ ai khác. Tuy nhiên, thoát ly ở đây là phải vững vàng chứ không phải đóng cửa”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với Thanh Niên Online.
Nếu "quan hệ nước lớn kiểu mới" phát triển rộng rãi, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các nước nhỏ trong đó có Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Quế, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói với Thanh Niên Online. Vậy, Việt Nam cần làm gì để bảo đảm giữ được sự vững vàng trong “quan hệ nước lớn kiểu mới” này?
Tận dụng lợi thế địa chính trị
PG.TS Nguyễn Thị Quế, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia đều cần xích lại gần nhau vì những mối giao thoa về lợi ích. Chính vì thế, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều có những thuận lợi và khó khăn khi quan hệ với các nước lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quế, trong mối quan hệ này, “Việt Nam cần phải tận dụng lợi thế địa chính trị của mình, đồng thời cần đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ của mình trên mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế để tránh nguy cơ lệ thuộc vào nước lớn”.
Các chuyên gia nhận định trong mối quan hệ này, Việt Nam phải có đối sách riêng cho cả hai mặt hợp tác và đấu tranh, bảo đảm không lệ thuộc trong bối cảnh vẫn tích cực quan hệ đa phương.
Việt Nam đã tham gia vào dự án ngân hàng AIIB của Trung Quốc bên cạnh TPP của Mỹ, một cách mở rộng những mối quan hệ đa phương - Ảnh: AFP
|
"Chúng ta phải thoát ly, không để mình quá lệ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ hay bất cứ ai khác. Tuy nhiên thoát ly ở đây là phải vững vàng chứ không phải đóng cửa”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói với Thanh Niên Online.
Một trong những điều mà Việt Nam cần chú ý nữa là tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là nhân tố để đứng vững bởi ngoài các nước lớn, Việt Nam còn có cả cộng đồng quốc tế và luật pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng sự hợp tác.
Phát triển nội lực trong quan hệ kinh tế
Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xướng là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng làm đối trọng với những tổ chức tài chính do Mỹ dẫn đầu như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
|
Việt Nam và các nước khác trong khi đó cũng tranh thủ mọi nguồn lực nước ngoài để phát triển kinh tế, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn phải chú ý để không bị lệ thuộc.
Trao đổi với Thanh Niên Online, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết cũng như các cuộc hợp tác toàn diện trong chính sách ngoại giao, Việt Nam cũng cần chú ý khi tham gia các cuộc chơi kinh tế toàn cầu.
Việt Nam đã chính thức gia nhập dự án AIIB và đang nỗ lực tham gia đàm phán TPP. Ông Bùi Kiến Thành cho biết tất cả những tổ chức tài chính, các thỏa thuận chung đều sẽ có lợi cho Việt Nam tùy tình hình thực tế và nhu cầu.
"Tham gia TPP hay AIIB đều quan trọng và cần thiết như nhau. Chúng ta phải mở cửa vì đó là điều đem lại lợi ích cho đất nước", ông Bùi Kiến Thành nói.
Trong xu thế toàn cầu hóa, sự hợp tác xen lẫn cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa các nước mạnh là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước nhỏ. Trong đó để tồn tại vững vàng, sự tỉnh táo trong các chiến lược ngoại giao và kinh tế là điều kiện cốt yếu.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh - Ảnh: Reuters
|
“Không có bạn mãi mãi và cũng không ai xác định là kẻ thù của nhau mãi mãi. Các nước lớn đã quan niệm như vậy thì Việt Nam cũng cần làm vậy. Chúng ta không đứng hẳn về một phía nào để đối địch với bất kỳ ai, mà phải mở rộng hợp tác đa phương, toàn diện”, Thiếu tướng Hải quân Việt Nam Lê Kế Lâm nói với Thanh Niên Online.
Bình luận (0)