Không để thiếu vật tư y tế, thuốc chữa bệnh truyền nhiễm

03/08/2022 04:27 GMT+7

Đó là ý kiến của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức ngày 2.8.

Các ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong nước đang tăng trở lại các ca mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron, như BA.4 và BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước, mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75, cũng gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thậm chí có tình trạng né tránh tiêm vắc xin ở một bộ phận người dân; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện dã chiến Hoàng Mai

Đậu Tiến ĐạT

Trước thực tế này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các biến thể mới liên quan đến Covid-19, sốt xuất huyết và đậu mùa khỉ. Các địa phương cần dự báo từ số lượng các ca tăng thêm, đến công tác khám chữa bệnh, công tác vật tư y tế, tuyệt đối không để thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc chữa bệnh cho các đối tượng bị nhiễm các bệnh liên quan đến bệnh truyền nhiễm.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần triển khai có hiệu quả các công điện của Thủ tướng; phân tuyến phân luồng, khám sàng lọc, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao, người già, trẻ em; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin, trong tháng 8 tập trung tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Sớm cung ứng thuốc cho bệnh viện công

Chiều 2.8, thông tin từ Trung tâm đấu thầu tập trung thuốc quốc gia (trung tâm) cho biết, đơn vị này đã chấm thầu xong và thương thảo với các nhà thầu, hiện đã hoàn tất đấu thầu khung. Ngay sau đó, các bệnh viện và các nhà thầu sẽ có 45 ngày ký hợp đồng cung ứng thuốc.

Gói thầu này có 39 nhà thầu tham gia với 376 thuốc, trị giá gần 9.000 tỉ đồng, chiếm 6,75% chi phí sử dụng thuốc trong 2 năm 2022 - 2023. Các thuốc đấu thầu tập trung là thuốc có lượng sử dụng lớn (khoảng từ 100 tỉ đồng/năm, theo báo cáo của BHXH VN), các nhà thầu đã sẵn sàng cung ứng. Các thuốc đang hết, khan hiếm tại bệnh viện công thì các sở y tế, các địa phương cần chủ động tổ chức mua sắm, đấu thầu. Theo Thông tư 15/2019 của Bộ Y tế, các cơ sở y tế được chủ động đấu thầu mua sắm phục vụ khám chữa bệnh, trong khi chờ kết quả của đàm phán giá và đấu thầu tập trung do trung tâm thực hiện. Chỉ khi trung tâm công bố kết quả đấu thầu tập trung thì các cơ sở mới dừng tự đấu thầu.

Về đàm phán giá, hiện đã thương thảo xong 19/66 thuốc. Giá các thuốc đã đàm phán so với giá chào giảm khoảng 19,04%, có thuốc giảm 31%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.