So về thực lực lẫn lối chơi đã thể hiện qua 2 trận đầu, thời điểm này khó có thể tin U.19 Việt Nam sẽ thắng U.19 Nhật. Dù HLV Troussier rất hiểu bóng đá Nhật vì ông từng nắm đội tuyển nước này ở World Cup 2002, hơn thế sức mạnh tinh thần của bóng đá Việt Nam cũng được lên cao khi mới đây đội tuyển chọn U.21 Việt Nam cũng đã quật ngã Sinh viên Nhật Bản ở giải U.21 quốc tế.
Nhưng bấy nhiêu chưa đủ tiếp thêm động lực cho U.19 Việt Nam vì đội hình và cách vận hành lối chơi chưa trơn tru, vài vị trí còn chưa ổn định về chuyên môn.
Ngay Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede cũng nhìn nhận xem Nhật Bản đá quá sắc nét, có nhiều mũi tấn công lợi hại như Takeda Hidetoshi (22), Sakuragawa Soromon (11), Haruyama Misaki (13). Họ chơi với 2 đội hình khác nhau rất linh hoạt nên đè bẹp đảo Guam 10-0 và Mông Cổ 9-0 mà không hề có khoảng cách giữa chính thức và dự bị. Bấy nhiêu đã đủ gây khó cho thầy trò Troussier. Vì vậy, nếu U.19 Việt Nam thủ hòa U.19 Nhật đã là thành công.
|
Vấn đề là U.19 Nhật Bản sẽ chơi như thế nào vì chỉ cần hòa họ đã nhất bảng do hơn Việt Nam hiệu số bàn thắng bại (19/0 so với 7/1). Nhìn đội hình của ông Troussier về cơ bản chơi như tuyển Việt Nam là 3-4-3, hàng thủ ông thay gần như bộ khung cũ của ông Hoàng Anh Tuấn; tuyến giữa có thêm Thanh Khôi cầm trịch để cùng Công Đến, Mạnh Quỳnh, Kim Nhật, Tuấn Tài tạo nên cự ly đội hình hợp lý. Hàng trên ông Troussier sử dụng Văn Tùng thay vì Võ Nguyên Hoàng. Với một nửa cầu thủ cũ, U.19 Việt Nam chơi có nét hơn nhưng vẫn chưa thật mạnh mẽ và còn tận dụng cơ hội quá kém. Vì thế một kết quả hòa để có suất dự VCK sẽ giúp ông Troussier có thêm thời gian mài giũa cho U.19 Việt Nam.
|
Nếu hòa Nhật Bản, Việt Nam sẽ đánh bại được ít nhất 6 đội nhì bảng khác như bảng B (Qatar, Yemen), bảng C (chỉ có Tajikistan đủ điều kiện đi tiếp), bảng D (Kygryzstan, UAE), bảng E (Bahrain, Jordan), bảng F (Ả Rập Xê Út, trừ Uzbekistan chủ nhà), bảng K (Indonesia, CHDCND Triều Tiên) và dĩ nhiên trở thành 1 trong 5 đội thứ nhì có thành tích tốt nhất trong 11 bảng lọt vào VCK.
|
Bình luận (0)