Không để “tiền công đức” gây phản cảm

29/12/2011 01:55 GMT+7

Sáng 28.12, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011, một năm thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với ba điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng.

Sáng 28.12, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011, một năm thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với ba điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, TP.Đà Nẵng.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có 7.000 lễ hội do các cơ quan, đơn vị nhà nước, tư nhân và người dân tổ chức. Mặc dù đã có văn bản quy định, nhưng việc quy trách nhiệm, áp dụng chế tài khi có vấn đề xảy ra tại lễ hội vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Trong dịp lễ hội 2012, đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL sẽ tới thanh tra tại 50 lễ hội thuộc 50 di tích của 17 tỉnh, thành.

Khắc tên lên bia công đức

Theo thống kê, năm 2011 có gần 4 triệu lượt khách về dự lễ hội đền Hùng; Yên Tử có 1,2 triệu lượt; đền Trần 60.200 lượt; Côn Sơn, Kiếp Bạc 70.000 lượt; chợ Viềng và phủ Giầy 700.000 lượt; Bà Chúa Thiên Hậu (Bình Dương) hơn 1,5 triệu lượt; lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) 1,5 triệu lượt... Công tác quản lý lễ hội cũng lộ rõ nhiều vấn đề. Một trong những tồn tại mà Thanh tra Bộ VH-TT-DL đề cập là hiện tượng đặt tiền lễ, công đức bừa bãi, mất tính tôn nghiêm như giắt tiền vào chân, tay tượng, để trên các bàn thờ, dán tiền “mồi” vào các đĩa… Từ cáp treo chặng chùa Giải Oan (chùa Hương), nhiều người đi hội còn rải tiền xuống dưới.

 
Tình  trạng người dự lễ hội lộn xộn, làm mất vệ sinh tại lễ hội đền Hùng năm 2011 - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết còn xảy ra tình trạng nhận tiền công đức rồi khắc tên người góp tiền lên bia như tại lăng Mẫu Liễu Hạnh, chùa Liên Phái (Hà Nội), đền Trình (chùa Hương)… Ông Phúc cho hay, tại đền Trình đã có 12 bia công đức giống như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với giá 15 triệu đồng/bia. Tại lăng Mẫu Liễu Hạnh còn cho xây 5 gian nhà mới để đặt bia. Ở nhiều nơi, trước bia còn đặt cả bát hương, trong khi đa số những người có tên đều còn sống. Nhiều nơi tiếp nhận công đức bằng các hiện vật. Ông Phúc nói: “Nhiều di tích có không gian chật hẹp, đưa tượng con nghê, sư tử… được “công đức” vào rất phản cảm”. Theo Phó chánh thanh tra bộ, cần có ngay hướng dẫn về việc trao - nhận công đức, hay có những chế tài để tiền lễ, công đức không gây mất tôn nghiêm di tích. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái bày tỏ, Bộ Tài chính cần phối hợp quản lý để minh bạch tiền giọt dầu, công đức.

Có nên cấm sản xuất đồ mã?

Hiện đã có quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng nhưng tại nhiều di tích vẫn có đồ mã được vận chuyển, sắp xếp bên trong. Theo ông Phạm Xuân Phúc, khó khăn là nếu chưa thấy... đốt thì không thể phạt nên vấn đề được đưa ra trong hội nghị là có cần cấm sản xuất đồ mã hay không. Bộ VH-TT-DL đã giao cho Viện Văn hóa nghệ thuật nghiên cứu vấn đề này. Theo ông Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Văn hóa nghệ thuật, “đây là vấn đề nhạy cảm, rất khó giải quyết”. Theo ông Quang, đốt đồ mã là nhu cầu của người dân, ý kiến của các nhà nghiên cứu và cả các nhà quản lý về việc này cũng quan niệm khác nhau, chưa thống nhất.

Chưa quyết định phát ấn đền Trần trong bao lâu

Theo kết luận của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, lễ khai ấn tại đền Trần vẫn diễn ra vào đêm 14 tháng giêng và không phát ấn vào đêm 14, rạng sáng 15. Ông Khúc Mạnh Kiên, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Nam Định, cho hay lễ khai ấn sẽ do các cụ nhà đền, nhân dân địa phương tổ chức, không có sự tham gia của nhà nước, lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 15 tháng giêng và dự kiến chỉ kéo dài đến hết tháng giêng. Còn theo ý kiến tư vấn của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, nên phát ấn suốt cả năm như vật kỷ niệm cho du khách tới đền Trần.

Minh Ngọc

>> Phát ấn đền Trần như thế nào?
>> Tranh luận về ấn đền Trần
>> Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định Đỗ Thanh Xuân: "Không ai ra lệnh cấm khai ấn đền Trần"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.