Nhiệm vụ chính của hệ thống ngân hàng (NH) là biến tiết kiệm thành đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, NH Việt Nam chưa làm được điều này và phần lớn tiết kiệm quốc gia đổ vào đầu cơ. Đặt việc tái cấu trúc NH dưới góc nhìn này, cựu Giám đốc NH bang Vaud (Thụy Sĩ), chuyên gia tư vấn chiến lược NH Phạm Nam Kim đã chia sẻ với Thanh Niên nhiều ý kiến quanh vấn đề đang nóng bỏng hiện nay.
Tái cấu trúc NH đã khởi động bằng việc hợp nhất, sáp nhập các NH thanh khoản yếu, ông nhận xét gì về việc này?
Tôi cho rằng chúng ta đang quá chú trọng đến một vấn đề nhỏ, đó là sáp nhập mà quên đi ngành NH yếu ở điểm khác. Đó là tình trạng "mượn đầu heo nấu cháo" về kỳ hạn. Có thể khẳng định, tất cả hệ thống huy động của NH hiện nay đều đặt trên các sản phẩm có kỳ hạn và hầu hết là kỳ hạn ngắn do sự thiếu ổn định của lãi suất. Khi người ta thấy lãi suất biến động mạnh và có xu thế tăng nhanh thì không ai muốn gửi kỳ hạn dài. Người dân gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn nhưng doanh nghiệp vay đầu tư kỳ hạn dài. Sự mất thăng bằng kỳ hạn giữa tiết kiệm và đầu tư đã khiến các NH dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn và rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Vì vậy, tái cấu trúc NH phải tập trung cốt yếu vào việc thay đổi căn bản huy động vốn hiện nay.
|
Cụ thể thay đổi "căn bản huy động" như thế nào, thưa ông?
Ở hầu hết các quốc gia khác, gửi tiền cho đại chúng chỉ có 2 hình thức. Đó là gửi không kỳ hạn (sử dụng ATM) và gửi tiết kiệm với thời hạn là khả năng rút tiền theo quy định. Nếu rút trước thời hạn, sẽ bị phạt. Ví dụ, bạn gửi 1 tỉ đồng vào NH, bạn có khả năng rút ra tối đa 10 triệu đồng/tháng. Nếu muốn rút 50 triệu đồng, phải báo trước 3 tháng; từ 50-500 triệu đồng phải 6 tháng. Còn muốn rút hết, phải bồi thường. Làm vậy, sẽ ổn định được nguồn gửi tiết kiệm dài hạn từ dân cư, tổ chức và giúp hệ thống NH cân bằng được kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền vay, giải quyết vấn đề rủi ro thanh khoản hiện nay. Còn loại lãi suất gửi tiền có kỳ hạn từ 6 tháng, 9 tháng, 1 năm thịnh hành ở VN thì ở nước ngoài, hình thức này chỉ dành cho doanh nghiệp, các tổ chức. Gửi kỳ hạn ngắn, phải là nguồn vốn lớn. Đây là xu hướng của tất cả các quốc gia khác và VN cũng không thể ngoại lệ.
Chính phủ kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế nhưng tiền ở đâu để tái cấu trúc khi vốn ODA, FDI đang giảm? Chúng ta phải trông vào nguồn gì nếu không phải là tiết kiệm quốc gia? Nếu vẫn để tình trạng tiết kiệm quốc gia đổ vào đầu cơ như thời gian qua, không thể nói đến tái cấu trúc nền kinh tế |
Lưu ý là giải pháp này phải áp dụng đồng bộ lên cả hệ thống NH thì mới thành công. Còn chỉ một hay vài NH thực hiện, vốn tất nhiên sẽ chảy từ chỗ này qua chỗ khác, giải pháp sẽ thất bại.
Giải pháp của ông đặt NH ở vai trò quyết định nhưng thực tế các NH trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác trong việc huy động vốn. Nên cho dù áp dụng trên cả hệ thống như ông nói, cũng khó tránh được khả năng rút vốn ồ ạt để chuyển sang các kênh khác?
Tất nhiên không thể triển khai đơn thuần mà phải đồng loạt các biện pháp. Đó là thắt chặt thị trường đầu cơ vàng, ngoại tệ. Việc này cũng đã được NHNN triển khai mạnh trong thời gian qua. Nếu tiếp tục thắt chặt các kênh này, sẽ chỉ còn một giải pháp là gửi tiết kiệm và đây là việc chúng ta phải làm. Chính phủ kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế nhưng tiền ở đâu để tái cấu trúc khi vốn ODA, FDI đang giảm? Chúng ta phải trông vào nguồn gì nếu không phải là tiết kiệm quốc gia? Nếu vẫn để tình trạng tiết kiệm quốc gia đổ vào đầu cơ như thời gian qua, không thể nói đến tái cấu trúc nền kinh tế.
Nghĩa là tái cấu trúc kinh tế thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào tái cấu trúc hệ thống NH?
Đúng thế. Tất cả các nước đều phát triển dựa trên tiết kiệm quốc gia. Đó là khoản tiền dư mà doanh nghiệp, người dân không dùng đến, gửi tiết kiệm NH. Chức năng của một NH là biến đổi tiết kiệm thành đầu tư dài hạn để phục vụ cho kinh tế quốc gia. Khi họ không đảm nhiệm công việc này là không làm tròn nhiệm vụ của họ. Hiện tại, NH Việt Nam cũng cho vay doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là lấy ngắn hạn cho vay dài hạn. Một doanh nghiệp đầu tư lâu dài, không thể chỉ vay 6 hay 12 tháng. Chúng ta có thể nhìn thấy các hồ sơ "đẹp"; những kỳ hạn huy động, cho vay "khớp" nhau nhưng trên thực tế không phải như vậy. Họ có nhiều cách để "lách" như đảo nợ khi đáo hạn, hoặc đổi sang NH khác. Đó là lý do các NH triền miên trong rủi ro thanh khoản. Nên để có được nguồn tiết kiệm quốc gia ổn định phục vụ phát triển đất nước, chỉ có cách mà tôi đã nói trên. Trên thế giới, nước nào cũng áp dụng giải pháp này. Ngay cả thời kỳ những năm 1980 khi mà lạm phát cao ở nhiều nước, hệ thống này vẫn chạy như thường.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phát triển. Thị trường trái phiếu không phải là thị trường đại chúng nên cần có quy định bắt buộc các quỹ, các tổ chức, bảo hiểm... phải dành một tỷ lệ vốn tối thiếu để mua trái phiếu. Như vậy sẽ có thêm nguồn vốn dài hạn để phục vụ việc phát triển đất nước bên cạnh nguồn tiết kiệm từ NH như nói trên.
Nguyên Khanh (thực hiện)
Bình luận (0)