Không điều gì là không thể xảy ra, nên tuyệt đối không được chủ quan

02/08/2018 21:16 GMT+7

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc về công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn

Chiều 2.8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã chủ trì cuộc làm việc về công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tại Thừa Thiên- Huế hiện có 56 hồ chứa thuỷ lợi, 6 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với dung tích khoảng 2 tỉ m3, công suất lắp máy 330,2MW. Nhìn chung, các chủ hồ chứa chấp hành khá tốt các quy định về quy trình vận hành, đảm bảo an toàn hồ đập và đều có phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, theo quy định các hồ chứa thủy lợi và thủy điện đều bắt buộc phải xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp khi có sự cố vỡ đập, tuy nhiên đến nay tại Thừa Thiên - Huế, mới chỉ có Thủy điện A Lưới có phương án này.
Thủy điện Bình Điền trong mùa lũ năm 2010. ảnh Bùi Ngọc Long

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cũng cho rằng hiện việc cung cấp thông tin vận hành đến người dân vùng hạ du đôi lúc vẫn còn chậm, một số người dân chưa nắm các nội dung thông tin cảnh báo.  “Khi có tình huống khẩn cấp thì việc thông tin đến người dân như thế nào thì hầu hết các hồ chứa thủy lợi và các thủy điện đều chưa có” – ông Hùng cho biết.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh, Phan Ngọc Thọ yêu cầu các chủ hồ, chủ đập phải tuyệt đối tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật và không được chủ quan. “Nếu có tình huống khẩn cấp thì công tác ứng phó sẽ như thế nào?  Không nói lý thuyết, chỉ nói giải pháp xử lý và kiến nghị cụ thể mà thôi”- ông Thọ nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, từ sự cố vỡ đập ở Lào vừa qua, có thể nói rằng không có điều gì là không thể xảy ra nên ông yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN cần phải có dự báo tình hình thời tiết, mưa bão chính xác và dự báo sớm để chủ động ứng phó, các chủ hồ chứa thủy lợi và thủy điện phải sớm lắp đặt hệ thống quan trắc, hệ thống camera và các hệ thống ấy buộc phải kết nối về trung tâm chỉ huy là Trung tâm điều hành đô thị thông minh của UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCTT và TKCN, để trong mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh phải theo dõi được tất cả các thông số và hình ảnh tại các hồ chứa thủy lợi, thủy diện để chỉ đạo, điều hành. “Nhiều thủy điện đã vận hành, khai thác và có nguồn thu gần 10 năm, thì không lý gì không đầu tư được các thiết bị này. Các chủ hồ phải đầu tư, còn tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào, vận hành và kết nối ra sao thì các ngành chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể”- ông Thọ nói

Về thông tin liên lạc, ông Thọ yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông mặc dù đã có phương án nhưng phải diễn tập để xem có gặp trục trặc gì không để khi có sự cố phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Về các tuyến đường giao thông, ngần cống chưa đảm bảo khi có sự cố, các địa phương phải lập ngay dự án để tỉnh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và các chủ hồ, các doanh nghiệp phải chia sẻ trách nhiệm thực hiện các dự án này.

Ông Thọ cũng lưu ý các ngành, các địa phương phải tích cực triển khai và tranh thủ dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khấp cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Nhật Bản tài trợ hơn 1,8 tỉ Yên (tương đương 378 tỉ đồng VN)

Chiều cùng ngày, thực hiện cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tăng cường cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí, UBND tỉnh cũng đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ hàng tháng đầu tiên (thay vì 3 tháng/lần) như trước đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.