Không độc quyền, sao giá vàng nhẫn vẫn tăng mạnh?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/03/2024 06:36 GMT+7

Vàng nhẫn trên thị trường hiện nay có hàng chục thương hiệu khác nhau, không độc quyền như vàng miếng SJC. Thế nhưng trong những ngày gần đây, vàng nhẫn vẫn xuất hiện hiện tượng khan hiếm và tăng giá liên tục, ngày càng trở nên đắt đỏ.

Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới

Ngày 29.2, giá vàng nhẫn tăng thêm 150.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 64,1 triệu đồng, bán ra 65,4 triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 65,33 triệu đồng, bán ra 66,43 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji mua vào 65 triệu đồng, bán ra 66,15 triệu đồng/lượng… So với đầu tháng 2, giá vàng nhẫn của các đơn vị tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng; nhưng so với đầu năm thì tốc độ tăng nhanh hơn, trên 2 triệu đồng/lượng.

Không độc quyền, sao giá vàng nhẫn vẫn tăng mạnh?- Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn tăng lên mức kỷ lục

NGỌC THẮNG

Không những vậy, mức đắt đỏ của vàng nhẫn cũng ngày càng đi lên. Trước đây, giá vàng nhẫn thường bám sát với giá thế giới, nếu có cao hơn thì cũng vài trăm ngàn đồng mỗi lượng. Vài năm trở lại đây, khoảng cách này ngày càng tăng. Chẳng hạn từ mức cao hơn giá thế giới 2 - 3 triệu đồng mỗi lượng vào đầu năm 2024, giá vàng nhẫn hiện nay đã cao hơn gần 5 - 6 triệu đồng/lượng.

Điểm đáng nói ở đây, vàng nhẫn không phải là sản phẩm độc quyền. Trên thị trường hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đều có thương hiệu vàng nhẫn. Công ty SJC có các loại vàng nhẫn từ 3 phân đến 5 chỉ; Công ty Bảo Tín Minh Châu có nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long; Tập đoàn Doji có nhẫn Hưng Thịnh Vượng… Đồng thời, cùng sản xuất từ chất liệu vàng 4 số 9 nhưng giá vàng nhẫn mỗi đơn vị chênh nhau lên 1 triệu đồng/lượng.

Biến động vàng: Giá vàng nhẫn vững mức kỷ lục trên 65 triệu đồng

Điểm lạ là mấy ngày nay lại xuất hiện hiện tượng "khan hiếm" vàng nhẫn. Chị Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết thường mọi năm vào ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng), chị hay mua vài chỉ vàng nhẫn lấy lộc. Do năm nay bận nên qua ngày Thần tài, chị mới ra cửa hàng PNJ mua 3 chỉ vàng nhẫn thì được nhân viên báo hết hàng. Mấy ngày sau, nhân viên của hàng này điện báo đã có hàng và mời chị ra mua. "Trước đây, khi mua vàng vào đúng ngày Thần tài thì mới có chuyện khan hiếm nhưng vẫn mua được. Còn nay, mua sau ngày này mà vẫn "cháy" hàng thì rất lạ", chị Thanh thắc mắc.

Đại diện Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) thừa nhận, nhu cầu vàng nhẫn sau ngày Thài tài tăng lên cao nên dẫn đến một số thời điểm bị khan hiếm cục bộ. Sau đó mặt hàng này đã có trở lại tại các cửa hàng trong hệ thống.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, giải thích năm nay sau ngày Thần tài, sức mua vàng trên thị trường vẫn được duy trì khá tốt. Mấy năm gần đây, do giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13 - 14 triệu đồng/lượng nên người mua có tâm lý nắm giữ vàng nhẫn. Giá vàng nhẫn có cả phần tiền gia công nhưng không có tính thêm phí gia công như vàng nữ trang từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi sản phẩm nên cũng là một lợi thế khiến vàng nhẫn được nhiều người lựa chọn, dẫn đến khan hiếm.

Thế nhưng ông Trương Cẩm Cường (chủ một tiệm vàng ở Q.8, TP.HCM, người có kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực vàng) cho rằng không thể nào có chuyện khan hiếm vàng nhẫn. Với những đơn vị kinh doanh vàng lớn, có thể nhu cầu vàng tăng lên, nhưng do vàng nhẫn được đóng vỉ nên chưa thể cung ứng ra thị trường được ngay thời điểm đó, thì hôm sau sẽ có. "Mãi lực thị trường đột ngột tăng cao đến mức nào mà dẫn đến khan hiếm thì ai thống kê? Tham khảo các tiệm vàng khác kinh doanh vàng trong ngày Thần tài (thời điểm bán vàng cao nhất trong năm của giới kinh doanh) thì mãi lực đã giảm một nửa so với mọi năm. Do đó, nhu cầu sau ngày này có tăng thì cũng không đến nỗi dẫn đến khan hiếm mà tăng giá", ông Cường nói.

Thế nhưng trước câu hỏi liệu có hiện tượng làm giá vàng nhẫn hay không, ông Trương Cẩm Cường cho biết ông không có cơ sở để khẳng định việc này nhưng vẫn bảo lưu quan điểm, vàng nhẫn không như vàng miếng SJC, rất dễ sản xuất và không bị quản lý nên nhiều doanh nghiệp làm. Người mua vàng không mua được chỗ này thì mua ở tiệm khác, không có chuyện khan hiếm để tăng giá.

Liên quan đến nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn, ông Trương Cẩm Cường cho rằng vàng nguyên liệu có hai loại, đó là bóng ký và bóng phân. Chất lượng bóng ký tốt hơn và có giá cao hơn bóng phân. Đối với loại vàng bóng phân kim hiện nay trên thị trường khá phong phú, các tiệm mua vàng 18K, nữ trang trên thị trường về phân kim nên nguồn vàng này không phải quá khó. "Do đó không thể nói khan hiếm vàng nhẫn trơn", ông Cường nhấn mạnh.

Không cho nhập nguyên liệu, vàng nhẫn có thể đắt như vàng miếng SJC

Lý giải tại sao vàng nhẫn không độc quyền mà giá ngày càng tăng, ông Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng một vấn đề nan giải và cũng là mối lo ngại của các đơn vị kinh doanh vàng là nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Các đơn vị kinh doanh vàng khi bán ra sản phẩm sẽ phải sản xuất lại bù đắp. Nguyên liệu bán trên thị trường hiện không khan hiếm nhưng "trôi nổi" nên không ai dám mua về sản xuất.

Tương tự, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho biết nguyên nhân chính khiến giá vàng nhẫn ngày càng đắt đỏ đến từ giá nguyên liệu trong nước tăng lên. Thêm vào đó, nguồn cung chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Nhu cầu sản xuất vàng nữ trang mỗi năm qua cần khoảng 20 - 30 tấn. Nhưng từ hơn 10 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cho phép đơn vị nào nhập vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp chỉ có thể mua vàng trôi nổi trên thị trường. Nay các doanh nghiệp cũng lo ngại rủi ro pháp lý khi các vụ bắt vàng lậu càng nhiều nên thận trọng hơn khi mua vàng nguyên liệu.

"Vấn đề này, hiệp hội cũng đã báo cáo lên NHNN và kiến nghị cho phép một số đơn vị được nhập 150 kg vàng nguyên liệu trước. Thế nhưng nhiều tháng nay chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng", ông Đinh Nho Bảng cho biết.

Đặt vấn đề liệu các đơn vị kinh doanh có bắt tay làm giá khi người mua chuyển hướng đầu tư vào vàng nhẫn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Làm giá luôn là vấn đề hiện hữu trong thị trường vàng. Giá hiện tại đang tăng bất bình thường, cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ để có những hành động ngăn chặn những hành vi vi phạm".

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn mỗi ngày mỗi tăng đến từ giá thế giới tăng lên. Các nhà đầu tư, tổ chức đang mua vào nhiều, kèm theo dự báo giá đi lên nên tác động đến giá vàng trong nước. Không những giá vàng miếng SJC mà cả vàng nữ trang, vàng nhẫn cũng gia tăng. Dù rằng vàng nhẫn trên thị trường không thuộc hàng độc quyền, thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu nhưng giá ngày càng đắt đỏ do giá nguyên liệu tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Theo Nghị định 24/2012, chỉ có NHNN được phép nhập khẩu vàng, các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu nên bị khó khăn trong nguồn nguyên liệu đầu vào. Nếu được thì NHNN nên cho phép một số doanh nghiệp được nhập vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ", ông Nguyễn Trí Hiếu nói và cho rằng trong trường hợp bài toán nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn chưa được giải quyết thì đến một ngày nào đó, giá vàng nhẫn sẽ tăng dần mức "đắt đỏ" lên như vàng miếng SJC.

Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng có đề cập: "NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ". Thế nhưng từ hơn 10 năm qua, NHNN chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho đơn vị nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.