Không đơn giản công nhận mại dâm là một nghề

Thu Hằng
Thu Hằng
29/03/2018 08:27 GMT+7

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, cho rằng nếu công nhận mại dâm là một nghề thì cực kỳ khó: 'Đã là nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình dạy nghề ...”

Nhiều chuyên gia tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm, cho rằng cần phải xây dựng luật về mại dâm, phi hình sự hóa hoạt động này, vừa để tôn trọng quyền con người vừa giảm tác hại...
Hội thảo do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN tổ chức ngày 28.3 ở Hà Nội.
Xây dựng luật về mại dâm
Theo ông Cao Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn (Bộ LĐ-TB-XH), ở VN, mặc dù hành vi bán dâm, mua dâm bị coi là vi phạm pháp luật nhưng qua nhiều năm, hoạt động mại dâm (MD) có nhiều biến thái, hình thức ngày càng tinh vi. Đặc biệt, các đường dây hoạt động MD liên tỉnh, ra nước ngoài, MD nam, MD đồng giới, buôn bán người vì mục đích MD, MD có yếu tố nước ngoài... đang có chiều hướng gia tăng. Công tác phòng, chống MD đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Vẫn còn những quan điểm, nhận thức trái chiều đối với MD, hệ thống pháp luật về MD cũng đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp.
“Dù áp dụng biện pháp nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận MD là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động MD cũng là con người và có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi như: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, chăm sóc con cái… Vì vậy, việc xây dựng luật về MD là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống MD phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội... Trong đó, chú trọng đến vấn đề đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”, ông Thành nói.
TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), bày tỏ: “Quan điểm xây dựng luật về phòng, chống MD cần hướng dần đến công nhận MD là một nghề. Nhà nước nên thừa nhận MD và tổ chức quản lý hoạt động MD trong các khu vực riêng biệt như một số quốc gia để có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách thấu đáo”.
Theo ông Đạt, nếu chủ trương này được ủng hộ, VN có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành luật. “Năm 2019 có thể đưa vào chương trình xây dựng luật về MD. Năm 2020 ban hành luật và có hiệu lực từ năm 2021 là rất ổn. Khi coi là một nghề, chúng ta đặt ra các điều kiện tiêu chuẩn cho nghề đó, trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát”, ông Đạt nói.
Là nghề thì ai là “ông tổ” ?
Đồng tình với các ý kiến cần phải có luật về MD để giảm hại cho những người hành nghề MD, đảm bảo quyền công dân và quyền con người, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn, cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã thành lập ban nghiên cứu để xây dựng dự án luật trình Chính phủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Lập cũng băn khoăn VN là đất nước truyền thống Á Đông, nếu công nhận MD là một nghề thì cực kỳ khó. “Nếu theo luật giáo dục nghề nghiệp, đã có nghề phải có tiêu chuẩn nghề, ông tổ nghề, có bộ giáo trình dạy nghề được cấp, thang bảng lương... vô cùng phức tạp!”, ông Lập nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Hiện quan điểm coi MD là một nghề, tập trung để quản lý vẫn chỉ là thiểu số. Nếu làm luật mới trình ra Quốc hội công nhận coi đó là một nghề thì rất khó xuôi. Chưa kể nếu công nhận là một nghề còn liên quan đến nhiều thứ: phải có điều kiện làm việc như thế nào, quy định làm ở đâu, vấn đề giới thiệu quảng cáo nghề như thế nào..., rất là khó”.
Phi hình sự hóa mại dâm
Theo ông Lê Bạch Dương, đại diện của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại VN, tại VN suốt nhiều năm qua MD là vấn đề được thảo luận sôi nổi nhưng chưa đi đến được sự đồng thuận. “VN cần giải quyết vấn đề MD theo cách tiếp cận phi hình sự hóa và tôn trọng quyền con người”, ông Dương nói.
Ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cũng cho rằng phi hình sự hóa MD là biện pháp hợp lý hơn cả. “Trước đây Thái Lan cũng cấm MD ghê lắm. Cảnh sát lùng sục đi bắt MD, y tế không tiếp cận được với người hành nghề MD... Bây giờ, họ không công nhận MD là một nghề nhưng hài hòa lợi ích các bên, cảnh sát không phải đi bắt bớ MD, chủ nhà chứa thu được tiền, chính phủ thu được thuế, y tế tiếp cận... Chúng ta nên nghiên cứu theo hướng đó”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.