“Không dùng hộ khẩu để hạn chế các quyền khác của công dân”

27/12/2011 02:27 GMT+7

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh quan điểm trên khi trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc TP.Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết hạn chế quyền nhập cư của người dân vào TP.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh quan điểm trên khi trao đổi với Thanh Niên xung quanh việc TP.Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết hạn chế quyền nhập cư của người dân vào TP. 

Đà Nẵng vừa ban hành nghị quyết, trong đó có quy định tạm dừng giải quyết nhập hộ khẩu mới đối với trường hợp đang ở nhà thuê, mượn, ở nhờ nhà người khác và không có việc làm ổn định... Là người từng tham mưu thẩm tra về luật Cư trú, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

"Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện luật Cư trú trên địa bàn TP.Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ và không có nghề nghiệp ổn định. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ".

(Trích Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2012 của HĐND TP.Đà Nẵng, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, kỳ họp thứ 3. Đã được toàn bộ đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng biểu quyết thông qua vào ngày 23.12)

Chúng ta đã ban hành luật Cư trú (được QH thông qua ngày 29.11.2006 và có hiệu lực từ ngày 1.7.2007 - PV), văn bản nào ban hành liên quan đến quyền cư trú của công dân mà trái luật Cư trú là không được, đó là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền (NNPQ). Đã là NNPQ thì mọi vấn đề phải giải quyết trên cơ sở của pháp luật mà pháp luật thì phải theo thứ bậc về hiệu lực thi hành: Hiến pháp cao nhất đến luật, sau đó mới đến các văn bản. Một địa phương nào ra văn bản trái với văn bản của Chính phủ đã không được rồi, chưa nói văn bản trái luật; Chính phủ còn không được ban hành văn bản trái luật, các bộ ngành cũng không được phép huống gì địa phương. Theo nguyên tắc NNPQ, không cơ quan nào được ban hành văn bản trái với luật QH đã ban hành.

Ban hành văn bản trái luật tức là kỷ cương không nghiêm, kể cả bất kỳ một bộ ngành hoặc là một địa phương nào. Tôi luôn theo quan điểm: trong một NNPQ thì pháp luật là tối thượng; còn nếu anh thấy bất cập thì không ai hạn chế anh kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Ra văn bản trái luật thì Bộ Tư pháp sẽ “tuýt còi”, yêu cầu hủy ngay.

Vừa rồi trong nhiệm kỳ QH khóa 12, luật Thủ đô không được thông qua, một phần bởi các quy định được cho là vi hiến, trong đó có việc hạn chế quyền nhập cư vào nội đô TP cũng với các tiêu chí, điều kiện đi kèm tương tự nghị quyết Đà Nẵng vừa thông qua. Theo ông, nếu hạn chế quyền nhập cư của công dân sẽ dẫn tới các hệ lụy gì?

Khi làm luật Cư trú, quan điểm lúc đó là chúng tôi đã định đề nghị bỏ hộ khẩu, nhưng Chính phủ thiết tha đề nghị thực hiện một thời gian nữa, 5 năm, 7 năm hoặc 10 năm nữa sẽ tiến tới bỏ hộ khẩu, vì sau này, hộ khẩu, chứng minh thư với tàng thư căn cước đều sẽ là một. Vì vậy khi chưa thực hiện được phương án bỏ cư trú thì chúng tôi đã tạo một điều kiện cực kỳ dễ dàng cho tất cả mọi người có thể có quyền cư trú của mình, trong đó có quyền nhập hộ khẩu.

Đó là lý do sau luật Cư trú, việc nhập hộ khẩu cực kỳ dễ dàng, dễ đến mức để tiến tới bỏ. Đó là quan điểm nhất quán: không dùng hộ khẩu để hạn chế các quyền khác của công dân.

Tôi còn nhớ như in, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật thời điểm đó nêu rõ quan điểm không dùng hộ khẩu để hạn chế các quyền như quyền đi học, quyền xin việc làm, quyền đăng ký kết hôn, quyền làm giấy khai sinh... của công dân. Chính tôi là người đã viết trong báo cáo thẩm tra như vậy (ông Quyền thời đó là Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Ủy ban Pháp luật - PV). Giờ nếu có địa phương nào làm trái luật thì sẽ bị bác thôi.

Quan điểm đó hẳn xuất phát từ thực tế trước khi ban hành luật Cư trú, một số TP lớn cũng đã “siết” điều kiện nhập cư khiến người không được nhập cư chịu nhiều hệ lụy, dẫn tới phát sinh tiêu cực?

Giải quyết quá tải thì phải thực hiện phương pháp quản lý nhà nước chứ không thể dùng quyền cư trú để hạn chế các quyền khác của công dân. Thời đó (khi soạn luật Cư trú - PV) cũng có những ý kiến cho rằng phải hạn chế nhập cư để tránh quá tải ở nội đô TP lớn nhưng nếu trường học quá tải, bệnh viện quá tải, đường sá quá tải...  thì phải dùng biện pháp khác, còn nguyên tắc là người ta sinh ra bao giờ cũng phải có quyền cư trú, được cư trú. Các ý kiến được lật đi lật lại và cuối cùng vẫn tạo điều kiện cho công dân cư trú. Còn anh quản lý thế nào để đảm bảo đủ bệnh viện, đủ trường học, đủ đường giao thông... thì đấy là điều tiết của quản lý đô thị, cái đó không liên quan đến quyền cư trú. Không thể hạn chế quyền cư trú để coi đó là giải pháp của quản lý đô thị được.

Ở một số nước người ta cũng áp dụng biện pháp hạn chế nhập cư vào thủ đô nhưng đó chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ, còn thì phải có rất nhiều biện pháp khác, nếu không sẽ không thành công. 


Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền

Nghĩa là sắp tới khi sửa đổi Hiến pháp, chúng ta sẽ tiếp tục quan điểm “không dùng hộ khẩu để hạn chế các quyền khác của công dân” đã được thống nhất khi ban hành luật Cư trú như ông vừa nói?

Vẫn tiếp tục đi theo hướng đó, thống nhất chứng minh thư, tàng thư căn cước và hộ khẩu là một văn bản và cách quản lý sẽ khác bây giờ. Bây giờ là giai đoạn quá độ và tôi nghĩ 5 năm nữa phải làm được. 5 năm nữa là phải bỏ cái hộ khẩu đi.

Bảo Cầm
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.