Nhiều rủi ro
Bán khống chứng khoán (CK) là khi nhà đầu tư (NĐT) dù không sở hữu CK nhưng vẫn bán hoặc đi vay CK của người khác để bán, ở đây thường là NĐT đi vay của CTCK để bán ra trước khi mua hoặc trước khi CK về đến tài khoản của mình. UBCKNN nhắc nhở các CTCK không được thực hiện hoạt động này khi chưa có quy định cho phép.
Trên thực tế, nhiều CTCK cho một số khách hàng "VIP" hay khách hàng quen mượn CK để bán trước, khi CK tăng giá mạnh. Ví dụ một NĐT tên A khi thấy cổ phiếu (CP) B tăng giá mạnh sẽ mượn của CTCK một lượng CP B để bán thu lời (dù A chưa có CP B trong tài khoản), sau đó NĐT này sẽ mua CP B để trả lại cho CTCK cùng với một khoản phí theo thỏa thuận. Hoặc NĐT A vừa mua CP trong ngày 24.8 và theo đúng quy định sau 3 ngày giao dịch, đến sáng ngày 28.8 NĐT A mới có CP trong tài khoản để giao dịch. Tuy nhiên chỉ trong 2 phiên sau đó, giá loại CP này tăng mạnh và A muốn bán liền trong ngày 26.8 để chốt lời. Khi đó CTCK sẽ cho A mượn trước CP để bán...
Dịch vụ này đã bị Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị UBCKNN cấm các CTCK thực hiện nhằm tránh rủi ro cho các NĐT và cả thị trường nói chung. Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí nhận định công cụ này thuộc nghiệp vụ phái sinh nhưng cũng mang tính là một đòn bẩy tài chính. Thay vì NĐT đi vay tiền của CTCK thì giờ là đi vay CK. "Nó có mặt tích cực là giúp thị trường sôi động nhưng cũng có tác hại khi suy giảm thì tốc độ giảm lại tăng gấp đôi bình thường vì áp lực trả nợ vay đến hạn. Thời điểm hiện tại chưa phù hợp để áp dụng công cụ này cho thị trường Việt Nam vì nó chỉ thích hợp cho các thị trường mà số lượng tổ chức đầu tư chuyên nghiệp chiếm đa số", ông Lê Đạt Chí nói. Tuy nhiên, ông Chí cũng cho rằng UBCKNN nên nhanh chóng cho phép thực hiện một số công cụ mới để thúc đẩy thị trường phát triển như cho phép NĐT mở nhiều tài khoản và tiến tới thực hiện một số nghiệp vụ phái sinh khác. Quan trọng nhất là phải có quy định hướng dẫn chi tiết để vừa kích thích NĐT tham gia nhiều hơn vào thị trường nhưng cũng kiểm soát được mặt rủi ro của nó.
Gia tăng tiền vay
Hầu như tất cả các CTCK đang hoạt động trên thị trường đều có dịch vụ cho khách hàng vay tiền để đầu tư CK. Tất nhiên hoạt động này đều được sự phối hợp với một hay nhiều ngân hàng và đưa ra một hạn mức cho NĐT. Ngoài việc cho vay phổ biến là cầm cố CK với thời gian từ 3-6 tháng, ứng trước tiền bán CK để NĐT có vốn quay vòng nhanh trên thị trường,... một số CTCK còn đang gia tăng việc cho vay ngắn hạn.
Ví dụ CTCK Vincom vừa công bố triển khai dịch vụ cho vay vốn mua CK thời gian T+4 (tính từ ngày vay và 4 ngày sau). Khách hàng được vay tối đa 300% giá trị ký quỹ đối với CK niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và tối đa 185% đối với CK niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thời gian cho vay tối thiểu là T+4 và có thể gia hạn thêm tới T+6.
Đặc biệt thủ tục cho vay và thời gian giải ngân được thực hiện ngay trong phiên giao dịch. Một NĐT tên Thành nhận xét dịch vụ này sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn nhanh cho những người "lướt sóng" và chỉ cần CK về đến tài khoản (T+3) thì bán ra. "Thị trường đang sôi động khiến cho việc lướt sóng cũng mang lại nhiều cơ hội cho NĐT. Vì vậy việc đi vay chỉ vài ngày thì tiền lãi cũng không phải là nhiều lắm mà thủ tục lại nhanh gọn", anh Thành nói. Tương tự, nhiều hình thức cho vay khác như ký quỹ, bảo chứng, repo CK... cũng được các CTCK áp dụng để thu hút NĐT. Mức lãi suất cho vay cầm cố hay repo CK... từ 10,5%/năm - 12%/năm, tương đương từ 0,875%/tháng - 1%/tháng được nhiều NĐT cho là chấp nhận được, nhất là khi cơ hội kiếm lời nhanh đang ở trong tầm tay khi thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ có bước tăng trưởng mới.
Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM cho rằng trong sự cạnh tranh để thu hút NĐT mở tài khoản và giao dịch tại công ty, dịch vụ cho vay là một hoạt động không thể thiếu. "Thị trường giảm điểm thì NĐT không muốn đi vay nên ngân hàng có khuyến khích cũng không ai tham gia. Còn khi thị trường tăng lên và xu hướng tăng dài hạn thì nhiều NĐT lại có nhu cầu này và CTCK cũng phải cố gắng tìm kiếm ngân hàng đối tác để đáp ứng.
Nếu không có dịch vụ này, NĐT sẽ chuyển sang giao dịch ở một CTCK khác", vị tổng giám đốc này nói. Dù vậy, nhiều CTCK đã lưu ý các NĐT thận trọng trong việc sử dụng tiền vay để đầu tư vì rủi ro khá cao. Nhất là khi áp lực phải trả nợ vay cao sẽ khiến NĐT không thể tự quyết định được thời điểm bán ra CK và phải chấp nhận cắt lỗ...
Mai Phương
Bình luận (0)