Không được để 'sạn' trong sách giáo khoa mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/11/2019 07:53 GMT+7

Tại hội thảo về sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Nhà xuất bản Giáo dục VN tổ chức ngày 8.11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia, tác giả và các sở GD-ĐT đã nêu hình dung, mong muốn về bộ sách giáo khoa mới.

SGK phải làm học sinh thích thú

Ông Nguyễn Văn Cường đến từ ĐH Potsdam, Đức phát biểu: “Đặc điểm cơ bản của sách giáo khoa (SGK) mới và SGK cũ khác nhau căn bản ở tư tưởng thiết kế. SGK cũ chủ yếu là định hướng khoa học, tích lũy thông tin, SGK mới cần định hướng tình huống, các kiến thức trong đó cần gắn với các tình huống thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và quay trở lại để giải quyết các vấn đề của thực tiễn”.
PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, ĐH Sư phạm TP.HCM, đồng thời là tổng chủ biên SGK tiếng Việt, ngữ văn của NXB giáo dục VN, cho rằng: Thời gian qua mô hình chương trình và SGK càng ngày càng bộc lộ hạn chế là cung cấp quá nhiều kiến thức, không tương thích với quan điểm “học đi đôi với hành”, đây là điểm nghẽn cần thay đổi. Tuy nhiên, PGS Hùng không phủ nhận việc cung cấp kiến thức trong SGK mới. Trong cùng một cuốn SGK vẫn có những bài học cung cấp nhiều kiến thức nhưng mục tiêu của giáo dục theo mô hình mới và SGK là phải trang bị cho người học khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, đồng thời cũng là chủ biên của bộ SGK toán ở bậc tiểu học, chia sẻ điều mà ông lo ngại nhất là thiếu sự hào hứng và hài lòng thực sự với những bài học, giờ dạy và học toán. Đưa dẫn chứng từ một thống kê có tới hơn 70% lên cấp THPT có ấn tượng không tốt với môn toán, PGS Vinh cho rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào để tạo được sự yêu thích với môn toán cho HS từ tiểu học, đặc biệt là từ lớp 1.
SGK mới, theo PGS Vinh phải đảm bảo 3 nguyên tắc: cơ bản, dễ tiếp cận; gắn với thực tiễn; sáng tạo.

Mong sớm có SGK chính thức để địa phương lựa chọn

Phát biểu tại hội thảo, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định việc lựa chọn bộ SGK nào để tổ chức dạy và học tại Hà Nội là vấn đề mà Sở đang rất quan tâm. Ông Dũng nêu quan điểm: Việc lựa chọn SGK trước hết phải tuân thủ theo các quy định của Bộ GD-ĐT, phù hợp với từng địa phương, phải đảm bảo nguyên tắc lựa chọn SGK. Trước hết SGK đó phải thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức lựa chọn SGK công khai, minh bạch, có tham khảo ý kiến của chính các cơ sở giáo dục phổ thông; SGK được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội trong toàn thành phố, sử dụng ổn định, tránh lãng phí.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị sớm có SGK chính thức để các địa phương lựa chọn nhưng những cuốn SGK khi được phát hành phải đảm bảo hạn chế tối đa sai sót. Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đề nghị: SGK sắp tới cần hạn chế tối đa hiện tượng có “sạn” như một số tài liệu, giáo trình giảng dạy thời gian vừa qua.
Ông Hồ Công Nhâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn, thì bày tỏ mong muốn các nhà xuất bản cần rà soát kỹ và để khắc phục những lỗi sai sót trong SGK hiện hành cũng như tránh lặp lại tình trạng này trong SGK mới.
Tiếng Anh là SGK duy nhất của Bộ GD-ĐT ?
Ông Hoàng Văn Vân, chủ biên SGK tiếng Anh, cho rằng có thể khẳng định trong các cuốn SGK mới thì bộ SGK tiếng Anh là bộ SGK duy nhất của Bộ GD-ĐT. Bộ giao cho đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Nhà xuất bản Giáo dục VN và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ thông qua các vụ chức năng. “Vì là SGK theo đề án của Chính phủ nên chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc “phẫu thuật” lắm. Theo tôi được biết trên cả nước có khoảng 40 - 50% SGK của chương trình ngoại ngữ 10 năm của đề án đang được giảng dạy, số còn lại là của chương trình ngoại ngữ 7 năm. Khi Bộ thực hiện dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 thì cả nước sẽ phải học SGK của chương trình ngoại ngữ 10 năm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.