Không giao con nhỏ cho vợ sau ly hôn, bị khởi tố hình sự?

09/04/2023 06:50 GMT+7

Vụ việc hy hữu xảy ra tại Bắc Ninh, cơ quan thi hành án kiến nghị công an khởi tố hình sự người chồng, vì không chịu giao con cho vợ sau ly hôn theo phán quyết của tòa.

Mới đây, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) có văn bản chuyển tới Công an TP.Bắc Ninh và Viện KSND TP.Bắc Ninh, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự một người đàn ông vì không chịu giao con cho vợ sau ly hôn, theo bản án đã có hiệu lực.

Không giao con nhỏ cho vợ sau ly hôn, bị khởi tố hình sự? - Ảnh 1.

Chị C.T.T.D

Tuyến Phan

Cố tình KHÔNG GIAO CON SAU LY HÔN

Năm 2020, chị C.T.T.D (33 tuổi, trú TP.Bắc Ninh) kết hôn cùng anh Đ.T.K (43 tuổi), có một con chung là cháu Đ.G.T (18 tháng tuổi). Quá trình chung sống, hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn nên chị D. làm đơn ly hôn.

Tháng 7.2022, TAND TP.Bắc Ninh xét xử sơ thẩm. Cả hai vợ chồng đều muốn nuôi con và không cần đối phương chu cấp. Sau khi cân nhắc, tòa chấp thuận cho chị D. ly hôn, đồng thời giao cháu T. cho chị tiếp tục nuôi dưỡng.

Không đồng tình, anh K. kháng cáo. Tháng 9.2022, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm, giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm. Theo TAND tỉnh Bắc Ninh, vợ chồng chị D. đều có đủ điều kiện về thu nhập cũng như tình cảm, sự quan tâm với con. Tuy nhiên, do thời điểm xét xử sơ thẩm cháu T. mới 10 tháng tuổi, theo quy định tại luật Hôn nhân gia đình thì con dưới 36 tháng tuổi phải được giao cho mẹ nuôi dưỡng.

Một tháng sau, khi chị D. gửi đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh ban hành quyết định thi hành án đối với anh K., yêu cầu giao cháu T. cho chị D. trực tiếp nuôi dưỡng. Tiếp đó, chấp hành viên thực hiện thủ tục thông báo, đôn đốc, thuyết phục, thậm chí gửi cả công văn đến công ty nơi anh K. làm việc để đề nghị phối hợp, nhưng khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành, anh K. vẫn không chấp hành.

Tháng 11.2022, chấp hành viên ban hành quyết định cưỡng chế, buộc anh K. giao con chung cho chị D. Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh cùng chính quyền địa phương trực tiếp đến nhà anh K. thuyết phục nhưng anh này vẫn không thực hiện.

Tháng 12.2022, từ đề nghị của Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh K., đồng thời yêu cầu sau 5 ngày anh K. phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tháng 2 vừa qua, vì anh K. vẫn chưa giao con cho chị D., Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương động viên, thuyết phục nhưng anh K. tỏ thái độ quanh co, chây ỳ và không giao con. Đơn vị này tổ chức cưỡng chế, buộc anh K. giao bé, nhưng anh không chấp hành nên buổi cưỡng chế không thành.

Ngày 3.3, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh có văn bản đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh K. về tội không chấp hành án. Công an TP.Bắc Ninh cho biết đã tiếp nhận kiến nghị và đang giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định pháp luật.

VỤ VIỆC HẾT SỨC PHỨC TẠP!

Trao đổi với Thanh Niên, chị D. chia sẻ, trước khi ly hôn hai vợ chồng đã có thời gian ly thân, chị về ở với cha mẹ đẻ. Ban đầu, chị đưa cháu T. về ở cùng mình, anh K. vẫn qua lại thăm con bình thường. Đến tháng 3.2022, anh K. đón cháu về, chị D. muốn đến thăm và cho con bú nhưng nhiều lần bị gây khó dễ.

Xác định mâu thuẫn không thể hàn gắn, chị D. quyết định nộp đơn ly hôn và được tòa án giải quyết. Sau khi bản án có hiệu lực, chị cùng mẹ đẻ nhiều lần đến đón cháu nhưng gia đình anh K. không hợp tác. Thậm chí, khi chị cùng tổ công tác đến nhà anh K. thực hiện cưỡng chế, anh K. không cho ai chạm vào người cháu nên không thể làm gì. "Tôi bế con thì anh ấy chạy đến giằng lại, tôi không dám mạnh tay nên đành phải buông, vì sợ cháu có thể bị gãy tay, gãy chân, rất nguy hiểm", chị D. nói trong bất lực.

Cháu T. còn nhỏ, vì sao hai bên không cố gắng tìm phương án hài hòa hơn, việc căng thẳng như hiện nay sẽ khiến người tổn thương nhất chính là cháu bé? "Đơn giản đó là tình mẫu tử, thời điểm này cháu cần được ở với mẹ hơn bao giờ hết; chỉ mới 8 tháng tuổi đã phải cai sữa mẹ, tôi xót lắm", chị D. khóc và cho biết.

Theo lời ông Phạm Đình Tuấn, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh, vụ việc giữa chị D. và anh K. "hết sức phức tạp", bởi việc giao con không giống với các loại tài sản thông thường. Sau khi có quyết định thi hành án, ông Tuấn cùng các đơn vị liên quan đã kiên trì thuyết phục, trực tiếp xuống nhà anh K. hàng chục lần, nhưng anh K. tỏ ra rất kiên quyết trong việc không tự nguyện thi hành án.

"Không ai muốn hình sự hóa một việc dân sự, nhưng đã thực hiện mọi biện pháp thì cũng đành phải kiến nghị theo quy định", ông Tuấn chia sẻ và khẳng định việc này vừa để thượng tôn pháp luật, thi hành bản án đã có hiệu lực của tòa, vừa bảo đảm quyền lợi của cả người mẹ và cháu bé.

Do việc cưỡng chế bất thành và đã có văn bản kiến nghị khởi tố, hiện Chi cục Thi hành án dân sự TP.Bắc Ninh đang chờ kết quả xử lý từ phía cơ quan công an để tiếp tục có các biện pháp phối hợp tiếp theo.

THI HÀNH ÁN VỀ GIAO CON RẤT ĐẶC THÙ

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người hỗ trợ pháp lý cho chị C.T.T.D, cho biết thi hành án dân sự về giao con sau ly hôn là một trong những loại vụ việc có nhiều khó khăn, vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền trẻ em. Đối tượng thi hành án là người chưa thành niên, không giống các loại tài sản thi hành án thông thường, đòi hỏi phải có phương pháp linh hoạt, hạn chế tối đa ảnh hưởng tâm lý của trẻ.

Nhiều trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện giao con cho người được quyền nuôi dưỡng, thường xuyên gây khó khăn, hoặc cố tình trì hoãn, khiến kéo dài thời gian thi hành án. Ví dụ, mỗi khi cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương đến giải quyết thì họ cho đứa trẻ tránh đi nơi khác, rồi khi tổ chức buổi giao con theo kế hoạch đã thống nhất thì hai bên lại xảy ra giằng co, không chịu giao con. Cũng vì trẻ em không phải là tài sản thông thường, nên không thể cứng nhắc ép buộc giao con ngay trước mặt cháu bé.

Ở vụ việc cụ thể này, vì đã tìm mọi cách nhưng anh K. vẫn không chịu giao con cho chị D. nên đành phải nghiên cứu phương án kiến nghị xử lý hình sự. Hy vọng rằng, với sức ép mới, anh K. sẽ hiểu và tự nguyện thi hành án. Không ai mong muốn đứa trẻ được về với mẹ nhưng cha của nó lại bị xử lý chỉ vì tranh chấp việc ai được trực tiếp nuôi dưỡng.

Để nghe tiếng nói từ cả hai phía, phóng viên nhiều lần liên hệ với anh Đ.T.K nhằm làm rõ lý do không giao con theo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, anh này không bình luận, đề nghị "cứ về hỏi mọi người xung quanh sẽ rõ".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.