Câu chuyện này là ví dụ điển hình, minh chứng rõ nét cho thấy những mâu thuẫn giữa giáo viên và phụ huynh luôn tồn tại và mỗi người lại có cách hành xử khác nhau.
tin liên quan
Phụ huynh làm 'dậy sóng' cộng đồng mạng chỉ vì cái quần của conNếu như phụ huynh kể trên chọn cách quay lại video clip để tung lên mạng, thì có nhiều người xúc phạm giáo viên bằng nhiều cách khác. Như ở Đắk Nông từng xảy ra việc phụ huynh đánh và chửi bới các giáo viên trước mặt học sinh. Hay trước đó, ở Hải Phòng cũng xảy ra việc phụ huynh tát vào mặt giáo viên.
Theo nhiều chuyên gia, không khó để nhận thấy cách hành xử với giáo viên khi không hài lòng của một bộ phận phụ huynh là có vấn đề. Vậy đâu là những cách hành xử "chuẩn"?
Bình tĩnh là yếu tố quan trọng nhất
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng phụ huynh phản ứng với giáo viên là điều dễ hiểu vì con người ai cũng có những sai sót, và giáo viên cũng vậy, cũng có thể khiến phụ huynh chưa hài lòng. Thế nhưng trong quá trình phản ứng của không ít phụ huynh lại có những cách không hay.
|
Theo ông Ngai, tùy vào sự việc mà có những cách ứng xử phù hợp. Nhưng sự bình tĩnh là yếu tố đặt lên hàng đầu, cũng như tìm hiểu sự việc rõ ràng.
"Bình tĩnh gặp giáo viên để trao đổi với tinh thần xây dựng. Để giáo viên nhận thấy điều chưa đúng, sau đó sẽ khắc phục, sửa chữa. Giáo viên mà hiểu biết, chắc chắn họ sẽ cảm ơn phụ huynh rất nhiều trong trường hợp này, sẽ chấn chỉnh lại bản thân", ông Ngai nói.
"Còn nếu giáo viên chống chế, bao biện, không tiếp thu những ý kiến phản ánh (trường hợp giáo viên sai thật), thì tuyệt đối không bày tỏ thái độ xúc phạm, xô xát. Đặc biệt không nên chửi bới mạt sát giáo viên trước mặt học sinh, con em của mình. Vì khi phụ huynh xem thường giáo viên, sẽ khiến học sinh cũng xem thường theo, con sẽ không coi giáo viên ra gì. Theo đó, học sinh sẽ không còn tin giáo viên, sẽ không thể học tốt môn của giáo viên ấy. Trường hợp này, có thể khiếu nại lên lãnh đạo nhà trường...", ông Ngai nói thêm.
Về việc phụ huynh đăng những video clip lên mạng, ông Ngai cho rằng tùy trường hợp mà nên hay không nên. "Nên là trong trường hợp nếu giáo viên sai, đã trao đổi nhiều lần mà giáo viên vẫn không thay đổi, lại được lãnh đạo bao che", ông Ngai nói.
Nói không với hành động bạo lực, xúc phạm giáo viên
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), một số giáo viên hiện nay có những cư xử chưa hợp lý, đưa ra những quyết định, hành động với học sinh theo cảm xúc, vì thế khiến phụ huynh bức xúc. Nhưng nhiều phụ huynh cũng có cách phản ứng không đúng.
"Không nên dùng bạo lực, hoặc chửi bới, mạt sát, xúc phạm giáo viên, nhất là làm những điều đó trước mặt học sinh. Cứ nghĩ việc làm đó sẽ hả được giận nhưng sự thật là không giải quyết được vấn đề. Vừa vi phạm nhân quyền, vừa khiến con có nhận thức sai 'mình cứ sai phạm, thầy cô mà phạt là kêu bố mẹ lên... bắt nạt lại thầy cô'. Lo ngại hơn, khi phụ huynh giải quyết bức xúc, sự không hài lòng bằng việc 'đụng tay đụng chân' sẽ khiến con bắt chước, khiến bao lực học đường gia tăng", bà Thương nói.
Về việc nhiều phụ huynh vì không hài lòng với giáo viên, sau đó có xu hướng quay video clip các cuộc trao đổi với giáo viên, hoặc chia sẻ những bài viết đăng lên mạng, bà Thương cho rằng điều này không nên. Vì có thể "chuyện bé xé ra to", từ những chuyện đơn giản nhưng khi thu hút những bình luận trái chiều, từ những người không hiểu rõ ngọn ngành sự việc có thể khiến dư luận có cái nhìn không tốt về nghề giáo.
Thạc sĩ tâm lý Ngô Văn Hoàng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), cũng không đồng tình với những hành xử nặng nề của một bộ phận phụ huynh khi chưa hài lòng với giáo viên.
"Hiểu tâm lý của phụ huynh là thương con. Nên khi nghe con kể bị thầy la, cô phạt là tức tốc vội vàng 'bay' đến trường để làm cho ra lẽ. Do vậy dẫn đến những ứng xử không phù hợp", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, phụ huynh nên hiểu giải quyết sự không hài lòng với giáo viên cũng chỉ nhằm mục đích giúp con em có được niềm vui khi đến lớp. Giải quyết ôn hòa sẽ đem lại kết quả tốt đẹp hơn cách ứng xử bạo lực. Thay vì chửi rủa, xúc phạm, đánh giáo viên... thì hãy ngồi cùng giáo viên để tìm hiểu thực hư câu chuyện, lắng nghe và chia sẻ để tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn hợp lý nhất.
Bình luận (0)