Acid uric dù là sản phẩm từ chu trình thoái biến chất đạm có gốc purin cũng không vô cớ bỗng tăng cao trong máu rồi sau đó đóng tinh thể trong khớp, sinh bệnh gút.
Thường vì đầu vào quá nhiều như từ rượu, bia, thịt mỡ, hải sản... Cũng có thể vì đầu ra keo kiệt khiến acid uric được thải quá ít qua nước tiểu, như trường hợp của người hay nín tiểu vì mê việc, người lạm dụng sinh tố C, aspirin...
Nhưng nếu tưởng chỉ có bấy nhiêu lý do thì nhầm. Một thống kê vừa được thực hiện theo kiểu chọn lựa ngẫu nhiên ở TPHCM với 100 người tăng acid uric trong máu, cho thấy:
- Chỉ 46% đúng là có mạnh miệng với rượu, bia.
- 64% không hề dính líu với độ cồn.
- 14% trong số “nói không với rượu bia” thậm chí ăn chay nhiều ngày trong tháng.
- 20% trong số lắc đầu với chuyện nhậu nhẹt không nghĩ đến bệnh gút dù đau khớp, kể cả thầy thuốc, vì không ngờ lại bị tăng acid uric trong máu!
Điều đáng tiếc là không ai trong nhóm 100 bệnh nhân được thông tin về những nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng tăng acid uric trong máu, thay vì trăm dâu đổ đầu... rượu, bia. Bởi không ít trường hợp bị tăng acid uric bất ngờ trong máu là do:
- Thiếu máu mà không biết, chẳng hạn vì bệnh sốt rét, vì rong kinh, vì lạm dụng thuốc có phản ứng phụ phá huyết như thuốc cảm, thuốc thấp khớp, kháng viêm...
- Đổi chế độ dinh dưỡng quá gắt. Thí dụ từ thói quen mạnh miệng với rượu, thịt sang hình thức chay trường cái rụp, như thường gặp ở người muốn khấn vái gì đó.
- Ngộ độc kim loại nặng do dùng nhiều thang thuốc cây cỏ không được bảo quản đúng cách.
- Kiêng cữ sau khi thầy thuốc phát hiện viêm gan, xơ vữa mạch máu nhưng thái quá hơn cả lời khuyên của nhà điều trị, thay vì thay đổi kiểu ăn uống với vận tốc hòa hoãn để cơ thể đừng phản ứng sai lệch.
- Lạm dụng các loại thực phẩm chức năng chứa quá nhiều chất đạm để tăng cân mà không ngờ chất đạm một khi dùng như thuốc cũng là dao hai lưỡi.
Thêm một điểm khiến công việc của thầy thuốc không đơn giản chút nào. Đó là không dưới 5% người bị viêm khớp với dấu hiệu điển hình của bệnh gút vẫn có lượng acid uric trong máu ở định mức bình thường.
Do đó, thầy thuốc chuyên khoa vẫn có thể bị đánh lừa dễ dàng nếu chỉ dựa vào xét nghiệm sinh hóa.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)