Không hẳn dị ứng là ngứa

05/02/2012 10:08 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới quả thật có lý do chính đáng khi xếp dị ứng vào danh sách bệnh “thời đại” từ 3 thập niên gần đây.

Không đáng lo sao được khi chỉ riêng ở CHLB Đức, số bệnh nhân dị ứng đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua. Trung bình cứ 3 người thì có 1 người dị ứng với thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất gia dụng… Ở nước ta, con số này chắc chắn khó ít hơn khi việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng vẫn còn là chuyện “trà dư tửu hậu”.

Nhiều chuyên gia khoa miễn dịch đã so sánh khả năng phát tán của dị ứng với bệnh dịch. Hiện 2/3 nạn nhân là người trưởng thành, thậm chí người già, bỗng dưng dị ứng với món dễ dàng dung nạp trước đây. Không chỉ người bệnh khổ sở mà cả thầy thuốc cũng đang khổ tâm vì bệnh này biến hóa khôn lường.

Bệnh được đặt tên dị ứng vì xuất phát từ phản ứng quái dị của cơ thể. Thông thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ phản ứng bằng cách tung ngay lực lượng phản ứng nhanh bao gồm bạch cầu, thực bào, kháng thể… khi ghi nhận sự hiện diện của chất lạ, chất có thể gây nguy hiểm cho cơ thể gia chủ, chất được thầy thuốc đặt tên là bệnh nguyên như siêu vi, vi khuẩn, nấm mốc, độc tố, hóa chất… Các chất này thường gặp trong phấn hoa, lông thú, sâu bọ, thực phẩm, kim loại nặng trong môi trường ô nhiễm. Nói chung, thường là chất vô hại nhưng cơ thể không hiểu vì sao lại phản ứng như kẻ thù không đội trời chung.

Hệ miễn dịch khi đó ra đòn để truy tầm bệnh nguyên, bao vây đối phương bằng phản ứng viêm khiến gia chủ sưng nóng, đau nhức; phân hủy đối thủ khiến chủ nhà sốt, ngứa, kinh phong. Tùy theo hình thức và địa điểm phản ứng mà dị ứng có thể xuất hiện dưới da, nổi mẩn ngoài da, hen suyễn vì phế quản siết chặt, rối loạn tiêu hóa vì đường ruột co thắt liên hồi. Do đó, không hẳn dị ứng là ngứa. Ngược lại, không phải cứ ngứa là dị ứng!

Dị ứng không thể phát tán nếu hệ miễn dịch còn thừa sức ăn thua. Do đó, có tìm được cách chống ngứa cấp kỳ nhưng quên tăng cường sức đề kháng với sinh tố, khoáng tố vi lượng thì tình trạng dị ứng sẽ sớm trở lại. Phần lớn tế bào của hệ miễn dịch nằm dưới niêm mạc của khung ruột nên từ lâu, các nhà nghiên cứu về dị ứng đã cổ động cho phương pháp thường xuyên bổ sung các loại vi sinh hữu ích trong khung ruột thay vì chỉ trị bệnh trước mắt bằng thuốc chống dị ứng đặc hiệu.

Theo Hiệp hội Nghiên cứu dị ứng ở CHLB Đức, hệ thần kinh và hệ miễn dịch bao giờ cũng hoạt động liên hoàn nên các thầy thuốc châu Âu khuyên người hay ngứa ngáy học thiền để giải quyết stress. Lý do dễ hiểu: Một khi có đủ serotonin, nội tiết tố tạo tâm trạng yên bình thì histamine (chất sinh ngứa) giảm rõ rệt. Người chịu ngồi thiền là người phải ít bị dị ứng. Vì ai ngồi lâu cho nổi nếu… ngứa!

Không lạ gì nếu dị ứng tiếp tục có mặt trong danh sách top ten bệnh thời đại, vì ở thời buổi này muốn không căng thẳng tinh thần thì có mà là... người ngoài hành tinh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.