Không hút dầu, đào than vẫn có thể tăng trưởng tốt

28/06/2017 06:22 GMT+7

Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế VN năm 2017 do Ban Kinh tế T.Ư và Đại sứ quán Úc tổ chức ngày 27.6 tại Hà Nội.

Không chỉ là những lời nói suông, các chuyên gia đều đưa các dẫn chứng, các con số cụ thể cho thấy, nếu có chính sách phù hợp, nội lực của chúng ta vẫn dồi dào để phục vụ tăng trưởng. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” đã hội tụ các chuyên gia kinh tế hàng đầu, doanh nghiệp (DN) lớn của cả nước và các định chế tài chính lớn trên thế giới.
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết tốc độ tăng trưởng hiện nay của VN phần lớn đến từ nguồn lực bên ngoài, thông qua các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. Trong khi những lợi thế thời gian qua vẫn được nói tới nhiều như nhân công lao động dồi dào, giá rẻ, trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng thì chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gay gắt từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn đang rõ nét. "Do đó, VN vẫn cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh", ông Bình nhấn mạnh.
Diễn đàn đã dành phần lớn thời lượng để tập trung thảo luận các giải pháp nhằm hiến kế cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm nay. Tuy nhiên, các giải pháp ngắn hạn như tăng khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 2 triệu tấn than không nhận được đồng tình từ giới chuyên gia. "Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây thua lỗ cho các DN nhà nước nếu giá cả biến động bất lợi. Hơn nữa, nó cho thấy VN tăng trưởng vẫn dựa vào xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, trong khi chúng ta đang nói nhiều về chuyển đổi mô hình tăng trưởng", TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Quốc gia Hà Nội, cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: "VN hoàn toàn có thể tăng trưởng GDP 8 - 9% nếu Chính phủ có chính sách đúng, chứ không phải vật vã với con số 6,7%". Dư địa đầu tiên, theo TS Cung là cải thiện hiệu quả việc sử dụng tài sản khối kinh tế nhà nước, mà trước hết là DN nhà nước. "Với khối tài sản 300 tỉ USD, nếu tăng 1 điểm phần trăm hiệu quả thì chúng ta có thêm 3 tỉ USD, tức bằng 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng", ông Cung tính toán. Theo ông Cung, hiện VN còn 180 tỉ USD vốn cam kết FDI và 15 tỉ USD vốn ODA chưa giải ngân, nên nếu giải ngân hết thì bổ sung đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, ông Cung cho hay, hiện mới có 48% DN nói có kế hoạch mở rộng đầu tư, thua xa mức 75 - 80% của những năm 2000 - 2006. Cho nên cơ hội thúc đẩy tăng trưởng ở đây còn rất lớn nếu giảm được các chi phí không chính thức và phí tuân thủ để lôi kéo DN mở rộng làm ăn.
Chia sẻ vấn đề này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, nửa đầu năm có 61.000 DN ra đời, để nuôi dưỡng cho họ lớn mạnh, đóng góp vào tăng trưởng là thách thức không nhỏ, nhưng cần xem đây là một mũi nhọn. Ngoài ra, theo TS Lực, các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tiêu dùng nói chung cần được ưu tiên vì tỷ trọng đóng góp của khối này trong GDP rất đáng kể. "Chỉ cần tăng tiêu dùng thêm 1% thì nền kinh tế có thêm 38.000 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần so với con số ước tính 9.200 tỉ thu được, nếu khai thác thêm một triệu tấn dầu. Trong khi nếu ngành du lịch tăng trưởng 30 - 35% năm nay, ngân sách sẽ có thêm khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng", ông Lực tính toán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.