Không khai báo, trốn cách ly: Nhiều chuyên gia y tế, pháp luật ủng hộ xử lý nghiêm

25/03/2020 08:16 GMT+7

Bức xúc trước hành vi không chấp hành quy định cách ly tại nhà của bệnh nhân số 100, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng phải phạt ngay bệnh nhân số 100 dù đang bệnh.

Theo bác sĩ Khanh, cần xem xét xử phạt bệnh nhân số 17, 34 vì khai báo gian dối. Bác sĩ Khanh bình luận: Hồng Kông và Đài Loan chống dịch thành công là do phạt “nóng”.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng việc khai gian, hay trốn cách ly mà nếu nhiễm Covid-19 thì sẽ lây cho gia đình, mang mầm bệnh cho cộng đồng rất cao.
Từ đó sẽ gây gánh nặng cho xã hội rất lớn. Hiện nay, chi phí tiền ăn cho 1 người cách ly là 90.000 đồng/ngày, chưa tính điện, nước, chăm sóc y tế… Theo bác sĩ Thành, một người không ý thức để lây lan dịch bệnh cho cộng đồng thì hao tổn của xã hội không thể tính bằng tiền được. Người nhiễm bệnh mà không tuân thủ cách ly, làm lây lan dịch bệnh có thể phạt tù được.

Thêm 11 ca mới, Việt Nam có 132 bệnh nhân nhiễm virus corona

Khởi tố bị can kịp thời răn đe, phòng ngừa chung

Về vấn đề xử lý hình sự, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng biết người nào có hành vi trốn cách ly, né khai báo dẫn đến hậu quả lây dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì phải buộc cưỡng chế cách ly trở lại, đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức phạt tù lên đến 12 năm, hoặc bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng…
Theo luật sư Hà Hải, pháp luật đã có hình phạt hành chính hay phạt tù nghiêm khắc, tuy nhiên quan trọng hơn hết là ý thức con người. Nếu bản thân mỗi người dân không ý thức hết trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, gia đình thì mọi tuyên truyền, nỗ lực của cả xã hội đều không có tác dụng. Vì vậy, luật sư Hà Hải đề nghị mỗi hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh.
Ngoài ra, luật sư Hà Hải cho rằng, quy định pháp luật cũng đề cập đến cả trách nhiệm đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ (để người bị cách ly trốn khỏi nơi cách ly, không kiểm soát được tình hình đi lại của khu vực cách ly...). “Cơ quan, tổ chức, quản lý cán bộ, công chức đó có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Trường hợp hành vi trốn cách ly mà người trốn làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì cán bộ liên quan có thể bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, hành vi khai báo không đúng, trốn cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh đã có dấu hiệu của tội phạm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Ngay khi phát hiện sự việc và hậu quả xảy ra, cơ quan CSĐT có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can để kịp thời răn đe phòng ngừa chung, sau đó áp dụng biện pháp cách ly điều trị trong quá trình điều tra vụ án. Sau đó, tùy diễn biến của người bệnh, cơ quan điều tra sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn và giải quyết vụ án.

Hơn 20.000 người Ý đã bị phạt hành chính

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng biện pháp xử lý mạnh đối với bất kỳ ai trốn cách ly, từ phạt hành chính cho đến án tù.Khi đặt lệnh phong tỏa, giới nghiêm, nếu người dân Ý vi phạm khi ra khỏi nhà sẽ bị phạt khoảng 227 USD (hơn 5 triệu đồng) hoặc ngồi tù 3 tháng.
Đến nay, hơn 20.000 người đã bị phạt hành chính, theo The Guardian.Tại Ấn Độ, chính quyền bang Telangana tuyên bố phạt tù ít nhất 6 tháng đối với người trốn cách ly tập trung lẫn tại gia. Chính quyền thủ đô Moscow của Nga thì tuyên bố sẽ phạt tù tới 5 năm đối với bất kỳ ai không tự cách ly tại nhà trong 2 tuần sau chuyến đi đến những vùng dịch.
Ả Rập Xê Út đưa ra mức phạt 133.000 USD (hơn 3 tỉ đồng) đối với bất kỳ người đến từ nước ngoài không khai báo y tế chính xác, còn New Zealand thì trục xuất.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.