Hoa hạ giá cũng không có người mua
Sáng 12.1 (21 tháng chạp), trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) có dãy chậu hoa vạn thọ được xếp thẳng lối nép sát tường phục vụ người đi đường ghé mua chưng tết. Người bán cho biết hoa mới đưa từ Bến Tre về thành phố tối 11.1, giá mỗi cặp 150.000 đồng (5 cây trong 1 chậu). Cũng loại này, một nhà vườn ở Bến Tre rao trên chợ sỉ hoa kiểng Chợ Lách Bến Tre giá sỉ 70.000 đồng/cặp. Người bán cho biết “cân nhắc lắm” mới quyết định lấy hoa về bán vì thấy chợ “yếu” quá.
Lượng hàng hóa chuẩn bị cho tết dồi dào, nhưng người mua khá thưa thớt |
Nguyên Nga |
So với những năm trước, chợ hoa tết tại TP.HCM năm nay đến muộn một cách lạ thường. Mọi năm, từ rằm tháng chạp trở đi, những chuyến xe đầy ắp hoa lá các loại để chưng 3 ngày tết của các nhà vườn từ miền Tây lên, Bình Dương và Đồng Nai sang, Tây Ninh, Củ Chi (TP.HCM) đổ về TP. Nhiều vỉa hè được trưng dụng thành đường hoa, phố quả. Thời điểm này chỉ còn 1 ngày nữa cúng đưa ông Táo về trời, lượng hoa tết về vẫn ít ỏi.
Đến sáng qua 12.1, theo khảo sát của PV Thanh Niên, những “chợ hoa tết” dọc các tuyến đường Bắc Hải, Thành Thái (Q.10), Bến Bình Đông (Q.8), Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức)… chưa bằng một nửa so mọi năm.
Ông Năm Phò, bán hoa tết trên đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức), cho biết thời điểm này mọi năm ông bán được vài ba chục chậu hoa trong ngày là bình thường. Người đi đường dù chưa mua hoa cũng ghé hỏi han giá cả các loại rất rôm rả. Năm nay dọn từ sáng, đến 10 giờ không ai hỏi; hai ngày ông mới bán được 5 chậu. “Chợ ế, nên nhiều người bán tranh thủ hạ giá để còn chỗ chở hoa về tiếp trong mấy ngày tới. Riêng nhà vườn của tui hoa cúc còn hơn 400 chậu, nhắm mấy ngày tới sao bán hết, nên hạ giá để bán sớm”, ông Phò nói.
Ngày trước, thời điểm này người ta tiêu thụ mạnh vì ai cũng dự trữ thực phẩm, đặc biệt là thịt heo để ăn trong những ngày tết. Năm nay, tình hình khó khăn hơn cả 2 năm đại dịch bùng phát nên ai cũng dè dặt trong chi tiêu. Lượng heo bán ra của các trại chăn nuôi thể hiện rất rõ không khí tết thế nào. Rất yếu!
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai
Tại khu vực đường Thành Thái, chậu cúc mâm xôi có dáng đẹp được báo giá từ 160.000 - 200.000 đồng, người mua trả 140.000 - 150.000 đồng/chậu cũng bán. Tương tự, hoa mồng gà năm ngoái có giá 100.000 - 120.000 đồng/chậu, nay người bán nói thẳng, giá 80.000 đồng/chậu, mua cả cặp thì 150.000 đồng.
Không chỉ có hoa ế, các thực phẩm dùng 3 ngày tết cũng đìu hiu không kém. Ông Lê Quang Hậu, chủ Cơ sở nem chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP.HCM), thừa nhận: "Mãi lực năm nay giảm hơn 30% so với thời điểm này năm ngoái. Đặc biệt, khách đặt hàng lẻ ăn tết giảm đáng kể".
Cơ sở sản xuất chả giảm sản lượng, chợ thịt cũng ế ẩm không kém. Cập nhật đến ngày 12.1, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, lượng heo hơi về chợ thực tế chưa tới 6.000 con, trong khi cùng thời điểm này vào những năm trước dịch là từ 7.000 con trở lên, ngày cao điểm lên hơn 8.000 con. Giá heo mảnh tại chợ vẫn khá thấp; đầu giờ heo mảnh đẹp có giá từ 68.000 - 70.000 đồng/kg, cuối giờ chỉ còn 50.000 - 53.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại khu vực “thủ phủ” chăn nuôi ở miền Đông Nam bộ đang ở mức rất thấp, dao động từ 49.000 - 53.000 đồng/kg trong mấy ngày qua.
Chờ sau ngày ông Táo về trời?
Ban quản lý các chợ đầu mối ở khu vực TP.HCM thông tin, đến chiều 12.1, chợ vẫn chưa vào mùa tết nếu nhìn trên sức mua. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ Thủ Đức, cho hay: “Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh của mùa tết. Có thể phải tiếp tục chờ đến sau ngày 23 tháng chạp (đưa ông Táo về trời) sức mua sẽ tăng. Sau ngày Trung Quốc dỡ bỏ các quy định chống dịch, lượng hàng hóa từ Trung Quốc vào chợ cũng có tăng nhẹ so với trước, nhưng chủ yếu do các đơn vị chủ động nhập hàng dự trữ”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nói: “Không chỉ người nuôi heo mà cả gà vịt, trâu bò cũng hết sức khó khăn vì tình trạng giá bán thấp hơn giá thành kéo dài nhiều tháng qua. Ngày trước, thời điểm này người ta tiêu thụ mạnh vì ai cũng dự trữ thực phẩm, đặc biệt là thịt heo để ăn trong những ngày tết. Năm nay, tình hình khó khăn hơn cả 2 năm đại dịch bùng phát nên ai cũng dè dặt trong chi tiêu. Lượng heo bán ra của các trại chăn nuôi thể hiện rất rõ không khí tết thế nào. Rất yếu!”.
Tuy nhiên, ông Công cũng cho rằng có thể do các chợ và siêu thị đều hoạt động trở lại từ mùng 2 Tết Nguyên đán (23.1) nên mùa tiêu thụ cuối năm nay không còn như trước.
Trong khi đó, nhiều siêu thị vẫn kỳ vọng lượng khách hàng mua sắm tăng đột biến sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp, nhằm ngày 14.1). Đại diện hệ thống WinMart/WinMart+ cho biết, sức mua đang “nhích nhẹ” từ đầu tháng 1 và dự báo sẽ tăng mạnh trong tuần giáp Tết Nguyên đán. Lượng hàng dự trữ của hệ thống bán lẻ này tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Tuy nhiên, đại diện hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi này cũng cho hay, các mặt hàng mua sắm Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu là hàng thiết yếu từ rau xanh, thịt cá, hải sản đến đồ khô như giỏ quà tết bao gồm các món bánh kẹo, đồ uống, giò chả…
“Từ ngày 23 âm lịch đến 30 tết, WinMart sẽ phục vụ khách hàng mâm cúng tết chế biến sẵn và triển khai nhiều chương trình khuyến mại để người dân an tâm mua sắm tết. Chúng tôi tích cực đàm phán với nhà cung ứng để bảo đảm giá hàng hóa bán ra không tăng trong tuần cao điểm sát Tết Nguyên đán. Đặc biệt, để kích cầu, các mặt hàng thuộc nhóm bánh kẹo, bơ, trứng, sữa, đồ uống, hàng đông lạnh, xúc xích, thịt nguội, thực phẩm khô… được phân phối với giá rẻ hơn từ 5 - 7% so với giá thị trường. Mục đích của chúng tôi là kích cầu và để người dân yên tâm mua sắm có một cái tết tươm tất”, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị WinMart, chia sẻ.
Khảo sát của PV Thanh Niên tại các siêu thị cũng cho thấy, lượng khách chỉ đông vào những ngày cuối tuần, còn lại không quá khác biệt so với ngày thường. Một số chợ truyền thống có hàng hóa về dồi dào nhưng đa phần tiểu thương than “bán chậm chưa từng thấy”, “chưa thấy xuân về”.
Chị Quỳnh Hương, chủ cửa hàng bán quà tết bên hông chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), cho biết: “Năm nay gói quà trên 2 triệu đồng bán rất chậm, các phần quà có giá dưới 1,5 triệu đồng thì đỡ hơn và bán nhiều nhất là phần quà dưới 1 triệu đồng. Nhìn chung sức mua giảm đến 40 - 50% so với những năm chưa có dịch”.
Bình luận (0)