Trong 215 quốc gia trên thế giới có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Walmart, VN nằm trong nhóm các quốc gia có mức rủi ro trung bình.
Các doanh nghiệp dệt may VN có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của Walmart - Ảnh: D.Đ.M |
Như vậy, để có thể trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn toàn cầu, phải giảm độ rủi ro nhiều hơn nữa.
Đó là thông tin được bà Kara Valikai, Giám đốc cấp cao - Bộ phận Sáng kiến trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Tập đoàn Walmart, chia sẻ tại “Hội thảo phát triển các doanh nghiệp cung ứng do phụ nữ sở hữu” do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (Amcham) hợp tác với Walmart (Mỹ) tổ chức tại TP.HCM vào ngày 15.1.
|
|
Đây cũng là hội thảo tìm kiếm nhà cung ứng có quy mô và đầu tiên của Walmart tổ chức tại VN. Lý giải tên gọi của hội thảo dành cho các doanh nghiệp (DN) có phụ nữ sở hữu, bà Valikai cho biết phụ nữ tại các thị trường mới nổi đầu tư hết 90% thu nhập của mình cho gia đình và cộng đồng, góp phần đẩy lùi đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khẳng định tính chuyên biệt
Các ngành hàng được Walmart chú trọng sẽ bao gồm: Dịch vụ, thực phẩm, may mặc, giày dép, đồ chơi trẻ em…
Chia sẻ nhiều ý kiến của các DN cho rằng, có quá nhiều khó khăn, thách thức để tham gia vào chuỗi cung ứng cho Walmart, bà Nguyễn Hoài Anh, Phó tổng giám đốc kinh doanh và phát triển Công ty TNHH may thêu Thuận Phương (TP.HCM) - DN có hơn 7 năm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nhà bán lẻ này, nói: “Ban đầu tôi cũng cho là sẽ vô cùng phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, nếu có kinh nghiệm đã làm hàng xuất khẩu, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, kiên trì và tổ chức tốt đội ngũ quản lý đơn hàng, chắc chắn sẽ thành công”.
Công ty Thuận Phương có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành may mặc. Trước khi trở thành nhà cung ứng cho Walmart và nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Levi's, JC Penney, Target, DKNY, Victoria's Secret…, công ty đã “miệt mài” làm gia công cho các công ty của Hàn Quốc. “Nếu cứ thủ phận làm gia công mãi, chúng tôi sẽ khó tồn tại trước làn sóng hội nhập sâu. Chúng tôi có đội ngũ quản lý đơn hàng có trình độ ngoại ngữ giỏi, có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp với tư duy luôn cải tiến, thay đổi… đó là những thế mạnh để chúng tôi bắt đầu tự tin chuyển hướng không chỉ gia công mà chào hàng bằng những mẫu mã do chính công ty thiết kế. Không chỉ thiết kế, may, thêu, công ty còn mạnh trong khâu “wash” (giặt) sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Đến năm 2008, qua văn phòng của Walmart ở Thâm Quyến (Trung Quốc), công ty đã sớm trở thành nhà cung ứng hàng may mặc VN đầu tiên của Walmart”, bà Anh cho biết. Từ 200.000 đơn vị sản phẩm trong năm đầu tiên, đến nay, Thuận Phương đã cung ứng cho Walmart từ 3 - 5 triệu đơn vị sản phẩm may mặc mỗi năm.
Một DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của Walmart trong lĩnh vực thực phẩm, cũng được đánh giá cao tại hội nghị, là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang. Bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, cũng cho rằng trở thành nhà cung ứng cho Walmart không khó, nhưng thách thức lớn là DN Việt phải khẳng định được tính chuyên biệt của mình đến mức nào trước nhà kinh doanh.
Đừng quá coi trọng giá cả
Theo bà Jocelyn Trần - Giám đốc cấp cao, phụ trách khu vực Đông Nam Á của Walmart, tập đoàn chọn nguồn cung là hàng đạt chuẩn, không quan trọng đó là DN lớn hay bé. Tại khu vực châu Á, VN là quốc gia thứ 2, sau Trung Quốc, mà Walmart mở rộng tìm kiếm đối tác, tìm nhà cung cấp hàng hóa cho tập đoàn. Bà Valikai cho biết hiện có trên 100.000 nhà cung ứng trên toàn cầu cho tập đoàn.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho biết tại VN, Walmart đang ưu tiên cho những DN do phụ nữ sở hữu thuộc lĩnh vực dệt may, thêu đan, hàng quà tặng, thủ công mỹ nghệ… bởi đối tượng khách hàng của họ phần lớn là nữ. Dẫn câu chuyện từ thế kỷ 15, nữ kỳ tài Bùi Thị Hý đã sản xuất thành công gốm Chu Đậu, đưa sản phẩm ra quốc tế, bà Hằng nhận định: “Lợi thế cho DN khi được chọn làm nhà cung ứng cho Walmart là rất lớn bởi không chỉ đưa được hàng hóa vào tiêu thụ tại hệ thống của Walmart trên toàn cầu mà cơ hội để gia tăng uy tín, thương hiệu của DN rất cao”.
Chia sẻ kinh nghiệm để có thể “đậu” được qua các kỳ “sát hạch” của Walmart, bà Valikai lưu ý DN đến từng chi tiết khi lên kế hoạch làm việc với các tập đoàn bán lẻ toàn cầu: “DN nên tập trung 1 - 2 sản phẩm, xác định sẽ cung cấp cho thị trường chính là nước nào, sản phẩm được bày bán cho ai. Khi trình bày, tập trung nói những yếu tố khác biệt của sản phẩm, nên tập trung vào yếu tố mang tính sáng tạo, khác biệt chứ không nên trình bày lịch sử của DN, quy mô của DN hay những yếu tố khác đại loại như vậy. Vấn đề không phải là giá cả mà sản phẩm của công ty bạn phải luôn đổi mới và sáng tạo, chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề này”.
Ông Todd Kouns, Giám đốc cấp cao phụ trách nguồn cung ứng lĩnh vực giày dép của Walmart, khuyến khích: “Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện về DN các bạn thế nào cho hay, thuyết phục nhất có thể”.
Walmart là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và là công ty đứng đầu danh sách 500 công ty lớn nhất của Mỹ. Hiện Walmart có gần 10.000 cửa hàng bán lẻ tại 28 quốc gia trên toàn cầu. Phục vụ 200 triệu khách mua sắm trên toàn thế giới mỗi tuần.
|
Bình luận (0)