Không lạm dụng phát triển đô thị 2 bờ sông Hồng

09/04/2010 02:11 GMT+7

Hôm qua, trong ngày làm việc thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã góp ý vào bản đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do Liên doanh tư vấn quốc tế PPJ trình bày.

Trung tâm chính trị quốc gia vẫn là Ba Đình

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị các đại biểu góp ý xây dựng về tầm nhìn chiến lược và mục tiêu của đồ án tới năm 2030 - 2050, cho ý kiến về cơ cấu dân số, mô hình đô thị và 10 nội dung mới đặt ra trong đồ án. Đáng chú ý, về việc xác định trung tâm hành chính quốc gia, ông Thảo cho rằng, để giảm tải cho đô thị lõi, cần di chuyển một số bộ, cơ quan T.Ư ra khu vực vành đai 3 và 4 (Mỹ Đình, Mễ Trì), còn việc quy hoạch trung tâm hành chính cho tương lai ở Ba Vì (với trục Thăng Long) đang có nhiều ý kiến cần trao đổi. “Chúng ta chỉ di chuyển các bộ, ngành ra bên ngoài chứ không xây dựng trung tâm hành chính mới. Khẳng định một điều là trung tâm chính trị quốc gia vẫn giữ nguyên ở Ba Đình và trung tâm chính trị của thành phố Hà Nội vẫn là hồ Gươm”, ông Thảo nhấn mạnh.

Góp ý cho việc quy hoạch giao thông trục Thăng Long, ông Hoàng Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Ba Vì đề nghị nối với trục đường Láng - Hòa Lạc và xây dựng đường nối sườn đông và sườn tây núi Ba Vì để phát triển vùng du lịch sinh thái ở đây. Đặt vấn đề cho tầm nhìn xa của quy hoạch hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Văn Mùi đề nghị thành phố phải tập trung dành quỹ đất cho giao thông phát triển hiện đại, tập trung nguồn lực cho giao thông, tránh việc quy hoạch chắp vá trước đây. Đặc biệt, ông Mùi cho rằng cần phải rà soát 500 dự án đầu tư, xây dựng đang dự định triển khai để tránh việc quy hoạch bị chia cắt, chắp vá.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì đề nghị thành phố không nên kiên cố hóa 2 bờ sông Hồng và không nên lạm dụng việc phát triển đô thị hai bờ sông (theo đề án của Hàn Quốc đề xuất). “Chúng ta nên trả lại vẻ đẹp tự nhiên, thiên nhiên hai bên sông và xây dựng các khu vực công viên cây xanh làm nơi vui chơi, giải trí, thư giãn cho người dân đô thị. Hà Nội cần hình thành trục cây xanh 2 bên bờ sông và cần xem lại việc có nên di chuyển các làng mạc lâu đời ven sông để xây dựng đô thị hay không?”, ông Phú trăn trở. Tán đồng ý kiến của ông Phúc, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lê Văn Hoạt cho rằng, tuy phải khai thác tiềm năng hai bờ sông Hồng nhưng thành phố cũng cần phải giảm tải xây dựng 2 bên sông và đưa không gian xanh, sinh thái vào khu vực này.

Bảo tồn phố cổ, phố cũ

Là người theo dõi trực tiếp đồ án này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhận xét về định hướng quy hoạch “1 đô thị trung tâm + 5 đô thị vệ tinh + 3 đô thị sinh thái + các làng cổ, làng cũ” là khác so với các đô thị đối trọng nằm ở các tỉnh ven Hà Nội. Theo đề xuất quy hoạch này, 750 dự án đầu tư xây dựng sẽ được bố trí ở phía khu vực phía tây thành phố; khu vực đô thị cũ (từ vành đai 3 trở vào) sẽ nằm cách chuỗi đô thị mới bằng một vành đai xanh không có nhà cửa. Về khu vực phố cổ, phố cũ, ông Toàn nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta chưa có một quy chế khả thi để bảo tồn phố cổ, gây bức xúc trong dư luận khi bảo tồn mà vẫn xuống cấp, vẫn cấp phép xây dựng mới. Các phương án tư vấn của nước ngoài  tham gia bảo tồn phố cổ vừa qua là không khả thi, không có thực tiễn, không đi vào cuộc sống. Do vậy chúng ta cần xem xét lại vấn đề bảo tồn phố cổ hiện nay”. Về khu phố cũ (do Pháp xây), ông Toàn kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nên công nhận là khu vực di sản, nếu không thì cứ mọc thêm các nhà cao tầng như hiện nay ở đây, khu phố cũ sẽ mất đi. 

Cả Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ của đồ án quy hoạch này là xây dựng thủ đô hiện đại và có bản sắc truyền thống. "Các kiến trúc sư trong và ngoài nước cho rằng cố gắng xây dựng Hà Nội với bản sắc riêng, không bắt chước các đô thị khác mà mất đi bản sắc riêng", ông Nguyễn Thế Thảo nói. Về quy hoạch đô thị 2 bờ sông Hồng, ông Thảo cũng cho rằng, cần phải xem xét, tăng không gian xanh, hạn chế cao tầng, đô thị.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.