(TNO) Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong văn bản trả lời chất vấn bổ sung vừa gửi tới các đại biểu quốc hội (ĐBQH) và được công khai trên cổng thông tin điện tử của chính phủ, theo lời hứa của Thủ tướng trước các ĐBQH tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2, ngày 25.11.
Tại phiên chất vấn trực tiếp người đứng đầu Chính phủ, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị Thủ tướng về sự quan tâm và hướng giải quyết trong thời gian sắp tới của Chính phủ trước tình hình hiện nay cử tri rất bức xúc, đó là tình trạng thiếu bệnh viện, thiếu trường học, thiếu nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong khi đó lại thừa khu công nghiệp, thừa sân golf.
Trả lời ĐB Dung, Thủ tướng khẳng định “Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng và phát triển trường học, bệnh viện đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân” và cho biết Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tương tự, nhiều đề án, cơ chế, chính sách về phát triển mạng lưới trường, lớp học cũng đã được triển khai thực hiện.
Thừa nhận “thực trạng như ĐB nêu là một thực tế mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, tháo gỡ bằng hệ thống đồng bộ các biện pháp, từ quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, sử dụng đất đai, bố trí và huy động các nguồn lực đầu tư...”, Thủ tướng cho biết thêm khi phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch sân golf đến năm 2020, đã tính tới việc đảm bảo diện tích đất trồng lúa 3,8 triệu ha.
“Sắp tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết 20 năm đầu tư, phát triển khu công nghiệp nhằm có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển khu công nghiệp hiệu quả hơn. Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, giám sát đầu tư sân golf, đảm bảo môi trường, không lấy đất trồng lúa để làm sân golf; đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, đánh giá việc đầu tư sân golf, trình Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Không có bất kỳ “vùng cấm nào” trong xử lý tham nhũng
Trước khi đi vào câu hỏi trực tiếp, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhắc lại báo cáo của Chính phủ đầu kỳ họp đánh giá tình hình đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng, có nhiều dạng tội phạm và tội phạm đang trẻ hóa, cán bộ, công chức thì ý thức trách nhiệm với dân, với nước giảm ở một số không ít…
Và ông Việt đặt vấn đề: Không để tình hình này bức xúc hơn nữa và để nhân dân có cuộc sống yên bình, để có môi trường tốt cho phát triển bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, với Chính phủ trong chỉ đạo điều hành có xem đây là quyết tâm chính trị hay không? Nếu xác định đây là quyết tâm chính trị thì giải pháp nào là khâu đột phá?
“Tình trạng ĐB nêu là một thực tế đang gây nhiều bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội”, Thủ tướng nhận định.
Theo ông, có 4 giải pháp trọng tâm để khắc phục tình trạng trên, trong đó, ngoài việc chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ…, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Giải pháp khác là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị và đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý, có ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. “Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông đồng thời cho biết “sẽ tiếp tục thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, không có bất kỳ “vùng cấm” nào; kiên quyết công khai hóa, minh bạch hóa trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nhất là những vị trí nhạy cảm và hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và xã hội đối với cán bộ, công chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước”.
Ngoài các nội dung trên, Thủ tướng cũng đồng thời trả lời các ĐB khác về những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận, như việc xử lý các tập thể, cá nhân liên quan tới sai phạm của Vinashin và kết quả bước đầu tái cấu trúc tập đoàn này; phấn đấu đưa Nhà quốc hội vào sử dụng trong tháng 5.2013; lý do vì sao không cần thiết phải thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế…
Bảo Cầm
>> Quốc hội thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
>> Rút luật Nhà văn khỏi chương trình xây dựng luật
>> Thẳng thắn chuyện chủ quyền biển đảo
Bình luận (0)