Sẽ thay đổi trang phục
Bình luận vấn đề này, một bạn đọc cho rằng theo giải pháp này (văn bản của UBND TP.HCM) được hiểu là trời nắng nóng mọi người nên chọn những trang phục gọn nhẹ, không mặc quần áo trang trọng như vest làm cho nóng nực sẽ hạ nhiệt máy lạnh làm tốn tiền điện. Hơn nữa, mặc đồ vest trong thời tiết nắng nóng sẽ gây ra cảm giác khó chịu, dễ sinh ra bực bội với những tình tiết không đáng có, dẫn đến hiệu quả công việc không cao.
Bên cạnh đó, văn bản cũng nêu nhiều giải pháp thay thế, bảo trì thiết bị điện hoặc sử dụng các loại đèn LED, năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện trong mùa nóng.
Nhìn nhận vấn đề này, Võ Văn Đạt (30 tuổi), đang làm việc tại số 48 Trịnh Văn Cấn, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM cho rằng đó là điều nên làm trong tình hình hiện nay. Việc này cần sự đồng thuận và chủ trương chung của nhiều người để góp phần tiết kiệm điện. Dù việc hạn chế mặc áo vest chỉ gói gọn với một nhóm nhỏ các công chức, viên chức nhưng nếu thực hiện tốt khi làm việc sẽ tạo hiệu ứng về ý thức với nhiều người, nhiều cơ quan khác.
Đạt cũng cho biết kể từ những ngày nắng nóng những trang phục ăn mặc của Đạt cũng thay đổi từ quần áo sơ mi đóng thùng kiểu công sở thì nay là áo thun ngắn tay, quần kaki, giày quai hậu gọn nhẹ. Có như vậy mới làm cho Đạt cảm thấy được giải nhiệt hơn trong mùa nắng nóng này.
Đồng tình về vấn đề hạn chế mặc vest, quần áo trang trọng Nguyễn Thị Trà (29 tuổi) ngụ hẻm 149, đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh cũng nói vẫn sẽ áp dụng theo hình thức này dù không phải là công chức. Bởi mỗi người cần phải ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện vì đó cũng là tiết kiệm tiền mà còn chung tay cùng cả nước. Do đó, từ cách đây 2 ngày, Trà cũng tạm cất đi những chiếc váy cồng kềnh, những chiếc áo khoác mà thay vào đó là những trang phục gọn nhẹ vừa phù hợp với thời tiết cũng như xu hướng thời trang hè năm nay.
Kiểm tra kỹ các thiết bị điện
Tiến sĩ Lê Thanh Hiền, chuyên ngành kỹ thuật điện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng khi tới những mùa nắng nóng thì tỉ lệ tiêu thụ điện luôn tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng các thiết bị điện giải nhiệt cũng tăng theo. Các thiết bị được sử dụng nhiều nhất ở mùa nóng là máy lạnh, máy quạt, quạt hơi nước, bếp điện từ. Đồng thời, một số thiết bị khác như lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh cũng là nguồn ngốn không ít điện hiện nay.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân chính khiến lượng điện tiêu thụ cao từ hộ gia đình và các phòng trọ là các thiết bị không sử dụng mà vẫn ghim hệ thống điện như: sạc máy tính, điện thoại… khi đi ra ngoài quên tắt đèn, quạt, không thường xuyên vệ sinh các thiết bị điện, rò rỉ điện từ hệ thống.
Theo tiến sĩ Hiền cách tiết kiệm điện thông dụng và dễ áp dụng nhất hiện nay với hộ gia đình, phòng trọ là sử dụng các loại điện năng lượng mặt trời như: đèn, máy nước nóng hoặc quạt năng lượng… Ngoài ra, nên chọn các loại đèn LED hoặc những loại máy có inverter. Không sử dụng đồng các loại thiết bị điện cùng lúc, nên chia các thiết bị để sử dụng để tránh tổn thất điện. "Cụ thể hơn trong giờ cao điểm tối nên hạn chế sử dụng cùng lúc máy lạnh, quạt, tivi vì thời gian này cũng là lúc gia đình nấu ăn, tắm, giặt", tiến sĩ này cho biết.
Ngoài ra, các thiết bị sử dụng điện lâu năm nên thay mới hoặc bảo trì bởi các thiết bị cũ thường tiêu tốn rất nhiều điện năng. Khi sử dụng máy lạnh nên đặt nhiệt độ từ 25-27 độ C, mức này cũng là mức trung bình so với nhiệt độ môi trường bên ngoài từ 28-35 độ C. Từ đó, máy lạnh sẽ hoạt động ở mức trung bình, giảm được điện lượng năng tiêu thụ đáng kể. Nếu để ở mức từ 16-24 độ C thì máy lạnh sẽ hoạt động hết công suất, tiêu thụ điện năng cũng tăng theo. Tiến sĩ này cũng nhắc nên sử dụng kết hợp máy lạnh song song với quạt gió.
Ông Hiền cũng khuyên các sinh viên ở trọ nên thay đổi sử dụng các loại đèn LED, vệ sinh máy quạt thường xuyên. Bên cạnh đó, sinh viên nên chọn công suất của tủ lạnh ở mức 150 đến 250 lít, tuỳ theo số lượng người ở thì sẽ tiết kiệm điện hiện nay.
Bình luận (0)