Thông tin Bộ GTVT đề nghị mạnh tay xử phạt việc bấm còi xe bừa bãi được nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi này trên thực tế không đơn giản, dù luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ ràng.
Nhiều khu vực bệnh viện cấm sử dụng còi nhưng người tham gia giao thông vẫn vô tư bấm - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Theo ghi nhận của PV tại Hà Nội cũng như tại TP.HCM, nhiều tuyến phố đi qua các bệnh viện, trường học và một số cơ quan nhà nước đều có biển báo cấm còi nhưng dường như biển báo này ít khi được người đi đường để ý. Trước Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), biển báo cấm bóp còi được đặt ngay ở đầu đường Trần Phú, nhưng ông Nguyễn Hồng Thuận, 62 tuổi, làm nghề lái xe ôm ở trước cổng bệnh viện này nhiều năm nay, cho biết: “Giờ cao điểm, đường ùn tắc, các phương tiện tràn lên vỉa hè, cả xe máy, ô tô, taxi, xe buýt bóp còi inh ỏi để di chuyển, phớt lờ biển báo cấm. Nhưng lạ là nhiều người dù đường rất vắng cũng bấm còi inh ỏi”.
Gây khiếp đảm cho người đi đường
|
Đại tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền Cục CSGT (Bộ Công an), nhìn nhận đang có tình trạng lạm dụng còi xe gây bức xúc người đi đường. “Còi sinh ra là để bấm nhưng việc sử dụng như hiện nay rất phản cảm, dừng xe trước ngã ba, ngã tư có đèn đỏ cũng bấm, đêm hôm khuya khoắt cũng bấm, đấy là chưa kể kiểu coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng người khác khi bấm còi ở những nơi có biển báo cấm”, ông Sơn nói và cho biết hành vi nguy hiểm hơn là lắp đặt, sử dụng các loại còi hơi không đúng với thiết kế của phương tiện ban đầu. “Loại còi hơi thường có âm lượng rất to, gây ra sự khiếp đảm đối với người đi đường. Nhiều người yếu bóng vía đang lưu thông trên đường mà nghe loại còi này gần sát thì đa phần đều giật mình, loạng choạng không làm chủ được tay lái và xảy ra tai nạn. Thực tế cho thấy đã xảy ra những tai nạn rất thương tâm từ loại còi hơi này”, đại tá Sơn nói thêm.
Xử phạt bằng... kinh nghiệm
|
“Không chỉ xe tải, container mà cả xe khách, xe buýt cũng có gắn còi hơi. Sở sẽ phối hợp với lực lượng CSGT kiểm tra, xử phạt nghiêm minh; yêu cầu các trung tâm kiểm định trực thuộc sở tập trung kiểm tra tiêu chuẩn còi xe ô tô đến kiểm định. Nếu không đúng tiêu chuẩn như thiết kế ban đầu của xe thì bắt buộc phải thay mới cấp giấy kiểm định cho phép lưu hành”, ông Lâm khẳng định.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban An toàn giao thông TP.HCM, cho hay trước đây TP đã ra quân xử phạt việc lắp đặt, sử dụng còi hơi, từng phát hiện có xe container gắn đến... 4 bộ còi. “CSGT xử lý nghiêm thì tình hình có lắng xuống nhưng sau đó thì phổ biến trở lại làm người dân kinh hãi”, ông Tường nói.
Nói về việc xử phạt còi xe, thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu PC67 (Công an TP.Đà Nẵng), cho biết khi xử phạt, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phân biệt còi điện hay còi hơi (âm lượng to hơn hẳn còi điện) bằng trực quan khá dễ dàng nên chưa cần dùng máy đo decibel (đo âm lượng âm thanh), đồng thời các lái xe cũng hợp tác tốt, biết rõ sai phạm nên chấp nhận bị phạt. PC67 còn dự phòng tình huống nếu lái xe không đồng tình thì sẽ đưa phương tiện vào các trung tâm kiểm định để thực hiện việc đo tiếng ồn nhưng trước nay chưa gặp trường hợp như vậy. Theo thượng tá Lê Ngọc, Trưởng PC67 Công an TP.Đà Nẵng, năm 2012 đơn vị này xử phạt 24 trường hợp, năm 2013 là 22 trường hợp và năm 2014 có 7 trường hợp lắp còi hơi.
Trong khi đó, trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.Hà Nội, nhìn nhận những năm qua, lực lượng CSGT đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý hành vi bóp còi xe tại nơi có biển cấm, song tình trạng này chưa giảm nhiều. Còn theo một cán bộ PC67 Công an TP.HCM, nếu phương tiện lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. “Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, lực lượng CSGT ít xử phạt về hành vi này vì chưa có trang thiết bị để xác định, đo đạc được tiếng còi vượt quá âm lượng. Xử phạt được các hành vi này chủ yếu là nhờ vào… kinh nghiệm của CSGT”, vị cán bộ này nói.
Bấm còi có thể bị án tù, tịch thu xe
Tại Singapore, ngoại trừ trường hợp cần thiết để tránh va chạm, những ai bấm còi khi xe đang dừng có thể bị phạt 70 SGD (1,1 triệu đồng), thậm chí có thể phải hầu tòa và đối mặt mức án 3 tháng tù. Công dân Malaysia phạm những quy định này có thể bị cấm vào Singapore, theo tờ The New Paper.
Chính quyền TP.Thượng Hải, Trung Quốc thì đã ban hành quy định hạn chế sử dụng còi xe nhằm giảm tiếng ồn. Theo tờ Shanghai Daily, tài xế xe hơi và xe máy bị phát hiện bấm còi trong trường hợp không khẩn cấp sẽ phải nộp phạt tới 200 nhân dân tệ. TP.New York của Mỹ cũng có quy định bấm còi trong trường hợp không thật sự cần thiết có thể bị phạt 350 USD/lần.
Tại thủ đô Lima của Peru, những tài xế bấm còi với âm lượng như còi xe cảnh sát hoặc xe cứu thương sẽ bị phạt 47 USD và có thể bị tịch thu xe.
Danh Toại
|
Bình luận (0)