Không nên bó buộc nhiệt tâm giáo viên!

04/10/2018 10:23 GMT+7

Không chối bỏ tác dụng răn đe của việc phạt tiền nặng bởi ai cũng sợ mất tiền, tuy nhiên những mức phạt lớn như dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục khó áp dụng vào thực tế.

Người xử phạt khó có khả năng thực thi, người bị phạt khó đáp ứng, dễ dẫn đến nguy cơ trở thành một điều khoản “lý thuyết” trên giấy.
Chỉ đơn cử mấy thực tế sau đây để thấy việc phạt tiền là không nên: Một cô giáo vì muốn khuyến khích việc học của học sinh (HS) đã quy đổi điểm bài kiểm tra ra số tiền thưởng. Để khích lệ con tiến bộ, nhiều cha mẹ “treo giá” phần thưởng cho con. Chúng tôi không cho các việc làm ấy là sai nhưng đó chỉ là những giải pháp ngắn hạn, tạm thời, nếu áp dụng lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không hay. Hơn nữa, cách này chưa khích lệ được động cơ và mục đích học tập sâu xa của các em.

Nhiều giáo viên (GV) tự ý đưa ra cách xử phạt học sinh bằng tiền: hễ mắc lỗi là đóng phạt. Mặc dù số tiền nộp phạt dùng vào những việc có ý nghĩa nhưng cách xử phạt là không nên, không hay. Nếu HS quen với việc chấp nhận nộp phạt để phạm lỗi thì càng nguy hiểm hơn. Bất cứ chủ trương nào trong giáo dục dùng hình thức xử phạt bằng tài chính đều không nên. Đó không phải là giải pháp sâu xa, căn cơ của một nền giáo dục nhân bản. Vì thế, theo chúng tôi, việc phạt tiền không phải là giải pháp tối ưu.
Trong suy nghĩ, tình cảm và nhận thức của hầu hết HS và GV, thầy trò là mối quan hệ vô cùng trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống. Thầy và trò soi vào đó mà giao tiếp, ứng xử hợp lẽ hợp tình. Nếu “dân sự hóa” mối quan hệ ấy bằng luật pháp, tài chính, liệu có làm rạn nứt tình cảm tốt đẹp kia chăng? Không nên lấy những ngoại lệ cá nhân để cào bằng cho mọi đối tượng.
Nhiều GV cho rằng quy định xử phạt trên là “vòng kim cô” kiềm hãm, bó buộc nhiệt tâm của họ với nghề. Nhà văn Nga Sê-khốp có truyện ngắn Người trong bao nói về cái chết của nhân vật thầy giáo Bê-li-cốp. Anh ta chết vì nguyên tắc, cứng nhắc. Đừng để GV và HS chúng ta ngày nay có những cái “chết” như Bê-li-cốp!
(Giáo viên tại TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.