Không nên cấp ‘Căn cước’?

25/04/2014 14:05 GMT+7

Hôm qua 24.4, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục họp bàn nội dung dự thảo luật Căn cước công dân, cộng với việc ban hành “Căn cước công dân”, thay cho “Giấy chứng minh nhân dân” và “Chứng minh nhân dân” hiện hành (dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 1.7.2015). Đồng thời có thể tiến tới bãi bỏ “Sổ hộ khẩu” trong tương lai gần.

Bầu chọn
Bạn có đồng ý với quan điểm của người viết

>> Đầu năm 2016 cấp số định danh cá nhân
>> Cấp mã số định danh cho công dân
>> Cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi chào đời
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu

Theo cá nhân tôi, cơ quan chức năng không nên “cài số lùi” - gọi là “Căn cước”, theo tiếng Pháp phiên âm là: “Tit-tờ-rơ đi-đăng-ti-tè” như thời Pháp thuộc (xem ảnh kèm theo) và thời Mỹ Ngụy trước năm 1975 (từ vĩ tuyến 17 trở vào).

Không nên cấp ‘Căn cước’?
 Thẻ Căn cước thời Pháp thuộc, cấp năm 1942 cho cụ Lưu Thị Bản, sinh năm 1901 ở tỉnh Bắc Ninh xưa - Ảnh: Nguyễn Thành Lập

Mà nên gọi là: “Chứng minh công dân”, nghe dễ hiểu và trong sáng, lành mạnh hơn. Như vậy, dĩ nhiên tên gọi: Luật Căn cước công dân, cũng cần đổi thành luật Chứng minh công dân.

Trên cơ sở đó, từ “Giấy chứng minh nhân dân” 9 số, hay “Chứng minh nhân dân” 12 số hiện hành, đổi thành “Chứng minh công dân”. Bởi vì luật pháp đã quy định thực hiện quyền công dân mỗi khi đi bầu cử; hoặc khi một người nào đó phạm tội, vào tù - sẽ mất quyền công dân, chứ luật pháp không quy định là mất quyền nhân dân.

Và tuyệt đối, cơ quan chức năng đừng phức tạp hoá những vấn đề đơn giản. Chẳng hạn thuật ngữ: “Số định danh”, thực chất là số giấy chứng minh nhân dân 9 số hiện tại, chớ bắt buộc thay đổi - đối với những người đã có, để tránh gây phiền hà mọi người - mỗi khi đi giao dịch ngân hàng, nhà đất…

Ngoài ra đến thời điểm từ ngày 1.7.2015, chỉ cần cấp đổi thành “Chứng minh công dân” - khi “Giấy chứng minh nhân dân” 9 số, hoặc “Chứng minh nhân dân” 12 số hiện hành hết hạn. Nhưng không ngụy biện lý do quản lý “phần mềm máy tính”… để áp đặt - bắt buộc cấp đổi 9 số “Giấy chứng minh nhân dân” lên 12 số “Chứng minh công dân”.

Và đương nhiên, sẽ cấp “Chứng minh công dân” 12 số (hay còn gọi là 12 số định danh) - đối với những trường hợp cấp mới (lần đầu tiên), để tránh nhiễu nhương cho người dân.

N.T.L (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc ở Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.