>> TP.HCM đề xuất phương án 'chỉnh' quy định đưa người cai nghiện bắt buộc
|
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến:
Không nên để người nghiện tự do đi lại
Tôi cũng đã đọc đề xuất của đoàn ĐBQH TP.HCM về vấn đề này. Đúng là chúng ta cần phải có một giải pháp hợp lý cho vấn đề cai nghiện. Trên thế giới, đã có nhiều mô hình, cách thức giải quyết vấn đề cai nghiện ma túy mà ta nên tham khảo. Có nước thì họ đưa người nghiện về cho gia đình quản lý, đưa về khu phố có cảnh sát khu vực, tổ trưởng khu phố quản lý, giám sát, theo dõi. Còn các gia đình tự chịu trách nhiệm về vấn đề cai nghiện cho con em mình. Người ta cũng có khuôn khổ nhất định chứ không để cho người nghiện đó tự do. Ví dụ như gia đình phải cai nghiện cho con em theo phương pháp nào. Như thế cũng đỡ gánh nặng cho Nhà nước vì ngân sách ta còn hạn hẹp.
Hiện nay, nếu cứ để người nghiện tự do ngoài xã hội thì rất nguy hiểm, lại tạo ra những tội phạm xã hội mới, những bất ổn mới, nên cần phải có mô hình cai nghiện phù hợp. Tiếp tục đưa vào các trung tâm cai nghiện cũng là một giải pháp nhưng cũng cần thêm giải pháp khác như kết hợp giáo dục ở gia đình, kết hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên để họ quản lý đối tượng của chính họ. Chứ không phải cái gì cũng để Nhà nước phải làm. Cái gì xã hội hóa được thì nên xã hội hóa, kể cả vấn đề tổ chức cai nghiện cho người nghiện như thế này.
Nhà nước tập trung cho việc quản lý như xây dựng khung chính sách, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý tốt hơn. Cũng có nơi làm hơi ngặt nghèo quá... thì không nên. Cai nghiện ở gia đình có thể có một không gian tốt hơn. Nhưng nói chung, không nên buông để cho người nghiện tự do đi lại vì như thế, xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả không tốt.
Cai nghiện mà chưa cắt được cơn nghiện đi ra xã hội như ta thấy, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Nên đã làm phải làm dứt điểm, không làm nửa vời.
ĐB Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai:
Quốc hội cần chấp nhận giải pháp hợp lý hơn để giải quyết cai nghiện
Tôi rất đồng tình với kiến nghị của đoàn ĐBQH TP.HCM. Đề xuất đó xuất phát từ thực tiễn, rất cần phải giải quyết. Tình trạng có những bất ổn về trật tự, an toàn xã hội do người nghiện gây ra không chỉ ở TP.HCM mà ở nhiều tỉnh, thành phố khác, như Bình Dương, Đồng Nai…
|
Yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở các thành phố này rất lớn để đảm bảo môi trường xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, xử lý đối tượng nghiện ma túy như thế nào rất cần phải có giải pháp vì nếu chỉ xử lý theo luật Xử phạt vi phạm hành chính như vừa qua là không đáp ứng yêu cầu quản lý, nhóm đối tượng này đã không được tập trung đưa vào quản lý để tổ chức giáo dục, cai nghiện, sau đó mới đưa về cộng đồng, để đảm bảo an toàn cho xã hội.
Chính từ hình thức xử lý vi phạm như luật Xử phạt vi phạm hành chính như vậy nên các địa phương rất lúng túng trong xử lý. Tôi đồng tình với kiến nghị của TP.HCM và đề nghị Quốc hội, Chính phủ chấp nhận những giải pháp hợp lý hơn để tổ chức cai nghiện cho những đối tượng này.
Tôi nghĩ là các trung tâm cai nghiện tập trung cũng là một cách tốt để gom những đối tượng nghiện ma túy lại, tổ chức giáo dục, cai nghiện có phương pháp, để dần đưa họ trở lại cộng đồng. Trung tâm này không phải nơi giam giữ như nhà tù mà có tổ chức giáo dục, học tập, lao động. Chứ nếu để người nghiện về địa phương, đi lại không ai quản lý sẽ làm phức tạp tình hình trật tự xã hội, thậm chí gây ra những hậu quả, vụ việc nghiêm trọng thì rất không nên.
Xử lý vấn đề này đúng là không đơn giản, nhưng nó cũng phải phù hợp với thực tế ở các địa phương, nhất là những vùng tập trung, phát triển. Tôi nghĩ là cũng nên sửa đổi, tính toán lại các quy định, chính sách, kể cả các quy định về tư pháp để có cách giải quyết phù hợp khi đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện tập trung.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi:
Phải có giải pháp tạm thời để xử lý việc xã hội đang cần
Tôi rất hiểu vấn đề mà đoàn ĐBQH TP.HCM đề xuất đưa người cai nghiện trở lại các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Đây là vấn đề bức xúc thực sự trong xã hội. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, chỉ có tòa án mới có quyền tước đoạt tự do của con người khi họ được chứng minh là có tội. Đó là quan điểm đúng đắn.
|
Mong muốn của TP.HCM là rất tốt và đúng là vấn đề cần phải giải quyết, nhưng chúng ta phải có phương pháp để giải quyết một cách đúng đắn. Bởi vì, chúng ta vừa phải có yêu cầu tổ chức cai nghiện cho người nghiện hiệu quả, vừa phải đảm bảo quyền con người của họ. Nhưng do tình hình thực tiễn như vậy, tôi cũng cho là phải có giải pháp tạm thời, tình huống nào đó để xử lý việc xã hội đang cần.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận để ra một quy trình rút gọn ở tòa án, chuẩn bị cho việc giải quyết, phán quyết cho những việc này mà không phải qua một quy trình quá phức tạp. Các nước họ cũng làm như vậy, một thẩm phán, giải quyết một vấn đề trong một buổi là xong. Ta cứ làm cứng nhắc thì không đáp ứng yêu cầu.
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM:
Để người nghiện ngoài xã hội rất nguy hiểm
TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết hay lồng ghép vào nội dung nghị quyết về kinh tế-xã hội tại kỳ họp này, giao cho TP tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội, thay cho tổ chức xã hội, trong khi chờ hồ sơ ban hành quyết định của tòa án.
|
Theo tôi, đây là cách làm tốt hơn, nhân đạo hơn khi hiện nay, để người nghiện ngoài xã hội rất nguy hiểm, là nguồn phát sinh ra tội phạm. Đưa họ đi cai nghiện, tổ chức có hiệu quả, quản lý hiệu quả để không phát sinh tội phạm cũng là cách làm nhân văn.
Hiện nay, có vướng mắc là từ 1.1.2014, khi luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì tòa án có trách nhiệm đưa ra quyết định với người nghiện. Nhưng để người nghiện ra tòa thì bản thân họ phải có thời gian được giáo dục tại cộng đồng, gia đình từ 3 - 6 tháng. Nhưng thực tế vừa qua, việc giáo dục tại cộng đồng và gia đình không hiệu quả. Chính vì thế, người nghiện hiện nay tràn ngập cộng đồng, gây nên những phức tạp mới.
Do đó, cần phải có giải pháp cho vấn đề này và TP.HCM đề xuất, mong Quốc hội chấp nhận cách giải quyết này (đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc).
Hà Nguyễn (ghi)
>> Bắt 3 người cầm đầu vụ hàng trăm học viên bỏ trại cai nghiện
>> Sốt ruột vì thủ tục... cai nghiện bắt buộc
>> Thành công của một cơ sở cai nghiện tư nhân
>> Người cai nghiện được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề
Bình luận (0)