Thiết nghĩ, đây là một nội dung rất cần được cân nhắc trước khi bổ sung vào dự thảo luật. Thực tế, đối với giáo dục không chính quy, chủ trương thường thiếu nhất quán, chính sách, quy chế, tên gọi thay đổi liên tục. Thay vì thanh kiểm tra để nâng cao chất lượng đào tạo thì lại vội vã thay tư cách pháp nhân liên kết, dù chưa có cơ sở kết luận việc thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng. Tại một số địa phương cũng đã có sự sáp nhập hệ tại chức vào trường cao đẳng sư phạm hoặc liên kết với trường đại học đặt lớp nhưng không có sự chuyển biến về chất lượng, thậm chí trường địa phương còn thả nổi, không quan tâm vì đó không phải là nhiệm vụ chính của họ.
Xuất phát điểm của mối lo chất lượng chính là việc cho phép liên kết mở lớp tràn lan, không tuân thủ các quy định; trong đó Bộ GD-ĐT có phần trách nhiệm khi cho phép các cơ quan ở địa phương mở lớp không đúng chức năng. Còn các trường đại học, cao đẳng ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ riêng; có biên chế tổ chức phù hợp với yêu cầu đào tạo. Việc quy định như dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng lo việc chính, bỏ việc phụ hoặc "chân ngoài dài hơn chân trong".
Theo cơ chế mới, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hình thành và hoạt động bởi nguồn thu tại địa phương, cơ sở vật chất thường do địa phương đầu tư. Đối tượng, chỉ tiêu đào tạo không chỉ là CB - CNV tại chức mà còn mở rộng ra các thành phần khác, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập cho cộng đồng dân cư. Các trung tâm GDTX (hiện một số tỉnh vẫn gọi là trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức) dù trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, quy chế khác nhau nhưng chức năng nhiệm vụ vẫn không đổi (đây là cơ sở giáo dục không chính quy ở địa phương, có chức năng nhiệm vụ điều tra nghiên cứu nhu cầu học tập, đào tạo). Về mặt hệ thống, giáo dục không chính quy (GDTX) bao gồm các bậc học như chính quy (trừ bậc mầm non) với các cơ sở học tập tương ứng: Trung tâm học tập cộng đồng (cấp xã, phường), Trung tâm GDTX quận - huyện, Trung tâm GDTX tỉnh (CĐ cộng đồng, ĐH cộng đồng). Việc không được liên kết đào tạo bậc trung cấp, CĐ, ĐH ở trung tâm GDTX tỉnh, vô hình trung phá vỡ tính hệ thống của hệ thống giáo dục quốc dân, cũng như mảng đào tạo không chính quy của cả nước. Chức năng của trung tâm GDTX tỉnh chủ yếu là liên kết đào tạo ĐH, CĐ và trung cấp; các loại hình tin học ngoại ngữ, dạy nghề chiếm tỷ lệ không đáng kể. Một khi nó không còn chức năng liên kết đào tạo thì thực chất là xóa sổ trung tâm GDTX tỉnh. Trong khi đó, hệ thống các trung tâm GDTX tỉnh tồn tại mấy chục năm qua và đã khẳng định được vai trò của mình, có nơi được nâng cấp thành trường CĐ cộng đồng và đã phát huy tác dụng tốt.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng
Bình luận (0)