Thực tế không thể chối bỏ
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng việc dự thảo Luật Khiếu nại quy định không giải quyết khiếu nại đông người là không hợp lý, né tránh hiện thực; thay vào đó, cần phải có quy định về khiếu nại đông người.
Nên chăng có nghị quyết hay pháp lệnh về xử lý khiếu kiện đông người hoặc văn bản pháp luật có tên gọi khác để điều chỉnh vấn đề này, bởi đây là thực tế tồn tại trong cuộc sống, không thể chối bỏ.
|
|
ĐB Lê Quang Bình (Thanh Hóa) |
Việc hướng dẫn từng người khiếu nại (có cùng nội dung khiếu nại) viết đơn riêng để giải quyết, như quy định của dự luật sẽ "đẻ ra" nhiều vụ việc vụn vặt, giải quyết mất thời gian và kém hiệu quả. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Lê Quang Bình (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) phản ánh tình trạng khiếu nại liên quan tới đất đai chiếm đa số đơn thư khiếu nại (tới 80% số đơn được tiếp nhận); và cho rằng hiện nay không có luật nào quy định việc xử lý những vụ việc khiếu nại đông người.
Nếu vai trò này lại giao cho Chính phủ thì tính chất quy định đó không đủ tính pháp lý. Theo ĐB Bình: "Nên chăng có nghị quyết hay pháp lệnh về xử lý khiếu kiện đông người hoặc văn bản pháp luật có tên gọi khác để điều chỉnh vấn đề này, bởi đây là thực tế tồn tại trong cuộc sống, không thể chối bỏ".
ĐB Lê Quang Bình phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng |
Cũng có ý kiến cho rằng dự án Luật Khiếu nại không nên quy định vấn đề khiếu nại và giải quyết khiếu nại đông người, bởi lẽ quy định vấn đề này trong luật sẽ mặc nhiên thừa nhận việc khiếu nại đông người, tạo điều kiện cho các phần tử xấu lôi kéo, xúi giục, kích động khiếu kiện đông người thành những cuộc biểu tình hợp pháp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, đối với các khiếu nại đông người hiện nay, thậm chí cả khiếu nại đông người có cùng một nội dung khiếu nại thì quyền và lợi ích hợp pháp của từng người khiếu nại cũng không thể đồng nhất.
"Tại cái cơ chế!"
Từ thực tế địa phương, ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa) cho biết, một trong những điểm bất cập hiện nay là do cơ chế hai cấp hành chính giải quyết khiếu nại. ĐB Nga phân tích: "Ở lần khiếu nại đầu tiên, đơn sẽ do thủ trưởng cơ quan bị khiếu nại thụ lý, xem xét lại quyết định, hành vi hành chính do mình ban hành, thực hiện. Như vậy, người bị khiếu nại cũng là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Rõ ràng là vừa đá bóng vừa thổi còi".
"Khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng (lần hai), người khiếu nại không có quyền khiếu nại nữa, nhưng lại có thêm một thủ tục tiếp theo là xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, nên có thể đẻ thêm cấp giải quyết thứ ba. Thực tế, hầu hết người khiếu nại gửi đơn vượt cấp lên cơ quan cấp trên. Cơ quan này tiếp nhận rồi lại chuyển về cho cơ quan cấp dưới giải quyết. Dưới cho rằng sai thì còn có cấp trên, nên giải quyết tắc trách; người khiếu nại không thỏa mãn tiếp tục khiếu nại… Đơn thư khiếu nại vì vậy không có điểm dừng. Chung quy vẫn chỉ tại cái cơ chế!", ĐB Lê Thị Nga nói. Bà Nga đề nghị nên giữ cơ chế tài phán đối với việc xử lý đơn khiếu nại.
Chung quan điểm với ĐB Nga, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đặt câu hỏi tại sao Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập cơ quan tài phán hành chính rồi lại thôi? Theo ông Vượng, việc thành lập cơ quan này sẽ là bước đệm tốt để sau đó chuyển dần việc giải quyết khiếu nại sang tòa hành chính.
Các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên), Trần Du Lịch (TP.HCM) nhấn mạnh, luật phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử, phương thức tài phán, có giới hạn về thời gian giải quyết khiếu nại, tránh việc trở thành "cơ quan văn thư chuyên trung chuyển đơn thư khiếu nại".
Theo ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM), "quy định thời hạn thụ lý và giải quyết trong 30 - 45 ngày phải được soi rọi trong thực tiễn. Có thể trúng, đúng với địa phương trong điều kiện bình thường, không có sự vụ nóng, phức tạp. Nhưng với số lượng đơn khiếu nại từ vài trăm đến cả ngàn thì không cách nào giải quyết trong 30 ngày, như quy định".
Thành Lương - Nguyệt Minh
Bình luận (0)