Để thực hiện tự chủ đại học trên cơ sở khối tài sản công (cơ sở giáo dục đại học công lập), hiện nay nhà nước trao quyền tự chủ, quyền quyết định các vấn đề lớn của Trường cho Hội đồng trường (HĐT), thiết chế tập thể (bao gồm đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước; đại diện cho giới trí thức, giới sử dụng lao động xã hội và cựu sinh viên; đại diện cho lãnh đạo, giảng viên, các viên chức khác và người học trong trường), không trao quyền cho một cá nhân đứng đầu nhà trường.
Đang có nhiều khoảng trống pháp lý trong trường đại học công lập |
ĐỒ HỌA ĐĂNG NGUYÊN |
Hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy hành chính của trường đại học, không phải là “người đứng đầu trường đại học”. Điều này tương tự như Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh chứ không phải Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người đứng đầu một tỉnh.
Tương tự như vậy, Luật Giáo dục đại học không xác định cá nhân nào là người đứng đầu nhà trường; cũng không quy định thẩm quyền cá nhân cho chủ tịch HĐT để phù hợp với cơ chế tự chủ đại học trên cơ sở khối tài sản công thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Hội đồng trường được giao thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu.
Về việc này, khi Quốc hội thảo luận để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại kỳ họp cuối năm 2018, GS. TSKH. Nguyễn Thiện Nhân (nguyên PTTgCP, Bộ trưởng Bộ GDĐT) đã yêu cầu làm rõ chủ sở hữu đối với cơ sở giáo dục đại học; quyền của chủ sở hữu trong các vấn đề về tổ chức, nhân sự, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu của mình; yêu cầu bầu chủ tịch hội đồng trường vừa thể hiện được quyền tự chủ, dân chủ trong trường, vừa đảm bảo quyền của cơ quan quản lý và chủ sở hữu…
Trên cơ sở đó, HĐT là thiết chế đại diện cho quyền tự chủ và tiếp nhận quyền tự chủ đại học; làm cho cơ sở giáo dục đại học không giống với các cơ quan sự nghiệp công lập khác và tiệm cận thông lệ quản trị đại học của đa số các nước phát triển.
Với đặc thù của tự chủ đại học và các vấn đề đã được phân tích ở trên, khi triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học, các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục đại học, công lập cần thoát ly tư duy của giai đoạn trước đây (coi trường đại học là đơn vị sự nghiệp công thuần túy) để hiểu đúng bản chất của các thiết chế nêu trên, trong bối cảnh của cơ chế mới về tự chủ quản trị đại học vừa được kiến tạo.
Câu chuyện tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa qua lộ ra những khoảng trống về pháp lý |
L.T |
Nếu hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện để giải quyết vấn đề phát sinh thì cần sửa theo hướng hoàn thiện cơ chế mới về tự chủ đại học để quản trị trường đại học công lập tự chủ tốt hơn, tiến gần tới thông lệ quốc tế hơn; không nên quay lại tìm và sửa các quy định hiện hành để chỉ ra một "người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, công lập" như một đơn vị sự nghiệp công lập thuần tuý.
Nếu thực hiện cơ chế một người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ trương tự chủ đại học đang bước đầu được triển khai hiệu quả; không phù hợp với xu hướng tự chủ quản trị giáo dục đại học dựa trên khối tài sản thuộc sở hữu công, để phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng không cần phải có sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước. Cơ chế này cũng sẽ làm cho hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam có khoảng cách xa hơn với cơ chế tự chủ quản trị giáo dục đại học của đa số các nước phát triển.
Bình luận (0)