- Lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP. HCM): Trong y học cổ truyền có một số bài thuốc trục thai (phá thai) nhưng thầy thuốc chỉ kê toa cho bệnh nhân dùng khi thấy thật cần thiết. Những bài thuốc này khi thầy thuốc cho bệnh nhân dùng phải cân nhắc thận trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến thai nhi mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe sinh sản của sản phụ vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, những bài thuốc trục thai trong y học cổ truyền không phổ biến và khi buộc phải dùng, thầy thuốc phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Những ai không hiểu biết về tác dụng của những bài thuốc này mà sử dụng bừa bãi thì hậu quả sẽ khó lường...
- Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn - 210/ 5G Cách Mạng Tháng 8, P.10, Q.3, TP.HCM): Theo tôi biết, những viên thuốc có dạng viên, tễ này thực ra là sản phẩm của 3 bài thuốc đông y tương đối phổ biến có tên gọi là Ô kim hoàn, Ô kê thang và Trật đả hoàn. Cả 3 bài thuốc này, theo tài liệu y văn cổ dược hoặc các quan điểm điều trị hiện hành thì tác dụng của nó chủ yếu là trị kinh nguyệt không đều (Ô kim hoàn, Ô kê thang) hoặc trị tan huyết ứ, bầm trong trường hợp bị té ngã, đánh đập hay chấn thương (Trật đả hoàn)... mà không hề đề cập đến tác dụng phá thai. Ngay cả bài thuốc Ô kim hoàn II được lưu trong tập "Tọa thảo lương mô" của Tổ y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) cũng khẳng định rõ ràng đây là một bài thuốc giúp dễ sinh. Theo bài thuốc này, khi thấy thai phụ có dấu hiệu sắp sinh (đau dồn, đau ngang thắt lưng, mở cổ tử cung...) thì cho uống từ 4-8gr gồm 6 vị thuốc: bạch phàn, đương quy, huyền bồ, khương hoàng, mộc dược, quế tâm thì thai ra ngay. Nói như vậy để thấy rằng các bài thuốc Ô kim hoàn, Ô kê thang và Trật đả hoàn tựu trung điều trị về kinh nguyệt, huyết bầm, trợ sinh, hoàn toàn không phải là thuốc phá thai như không ít người lầm tưởng.
Bùi Chiến
(thực hiện)
Bình luận (0)