Chuẩn bị kỹ càng. Công việc chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện trước đám đông rất quan trọng. Bạn nên dành thời gian để cô đọng những ý tưởng cần nói, tổng kết những ý tưởng này bằng các gạch đầu dòng, sau đó khai triển mở rộng chúng trong quá trình nói. Bạn cũng cần chuẩn bị trang phục, cách trang điểm phù hợp, luôn giữ nét mặt tươi tắn, thân thiện, cách đi đứng đúng mực và biết sử dụng micro có hiệu quả.
Bỏ áp lực tâm lý. Một số bạn khi nói trước đám đông thường không biết cách sắp xếp, hệ thống các ý tưởng một cách mạch lạc, rõ ràng và khoa học, dẫn tới việc “đóng băng” trên diễn đàn. Lúc ấy, nhịp tim của người diễn thuyết đập nhanh hơn, bạn lúng túng không biết dựa vào đâu để tiếp tục cuộc nói chuyện vì những ý tưởng chuẩn bị sẵn trong đầu chạy biến đâu mất. Như vậy, vấn đề quan trọng là bạn phải làm sao để cởi bỏ được áp lực tâm lý khi nói chuyện trước công chúng.
Khơi gợi sự tò mò. Tạo tiền đề cho một cuộc nói chuyện thành công, ngay từ phần mở đầu, bạn nên đưa ra một sự kiện, trích dẫn một lời nói hay một câu thơ hoặc có thể lồng vào một vấn đề thời sự đang gây chú ý vào thời điểm đó, để khơi gợi sự tò mò của người nghe. Bài thuyết trình thực sự hấp dẫn nếu người nói biết dẫn những chứng cứ xác thực, số liệu biết nói... cùng cách trình bày chân thật, nhiệt thành, thường xuyên có những câu hỏi hay những lời pha trò để tạo hứng khởi cho người nghe.
Nhanh chóng xử lý sự cố. Có những sự cố không mong muốn khiến bạn dễ bị mất điểm. Chẳng hạn có khán giả đặt câu hỏi khó, ngoài khả năng trả lời của bạn, trước tình huống này, bạn hãy khéo léo từ chối bằng cách ghi nhận vấn đề mà vị khách nêu ra và xin phép được trả lời vào một dịp khác. Cũng có trường hợp người nghe không tỏ thái độ hợp tác, họ làm việc riêng hoặc gây ồn ào, bạn nên xem lại cách nói của mình có hấp dẫn hay không, có thể nhắc nhở nhẹ nhàng bằng câu hỏi gây sự chú ý: “Tôi nói thế các bạn có ủng hộ hay không?”...
Theo G.Thùy / Người Lao Động
Bình luận (0)