‘Hơn 900 lượt cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM không nhận hối lộ của người vi phạm’. Mới nghe, tưởng là con số đáng tự hào, nhưng có điều gì đấy khiến người ta cứ băn khoăn.
Đúng là 'một hành động hơn ngàn lời nói'. Hình ảnh này từng được dân mạng “like” mạnh. Ảnh chụp màn hình facebook |
Ngày 14-1 vừa qua, Phòng CSGT Đường sắt – Đường bộ (PC67) Công an TP.HCM cung cấp thông tin “có 941 lượt cán bộ chiến sĩ không nhận hối lộ của người vi phạm, với tổng số tiền hơn 135 triệu đồng”. Con số này được đưa ra trong bối cảnh hiện nay đã ngay lập tức gây nên nhiều thắc mắc: Như vậy, ngoài hơn 900 lượt cán bộ này ra, số CSGT còn lại thì sao, liệu có nhận hối lộ, có tham nhũng? Mà TP.HCM thì có đến hơn 3.000 cán bộ, chiến sỹ.
Còn nhớ, trong năm 2014, thông tin từ Đội Tuyên truyền (Phòng PC67 Công an TP HCM), cho biết có 50 lượt tập thể, 1.471/3.628 lượt cán bộ cảnh sát được nêu gương liêm khiết. Ngay lập tức có người thắc mắc, vậy còn hơn 2.000 cán bộ còn lại không nằm trong danh sách liêm khiết thì sao? Mà cái liêm khiết ở đây chỉ đơn giản là không nhận hối lộ, không mãi lộ, một việc hết sức bình thường đối với phẩm chất cán bộ, trong đó có CSGT. Chưa kể, nếu đem con số của năm 2014 so sánh với năm 2015 thì có thể thấy nó đang… “rớt giá” thê thảm (từ 1.471 xuống 941 lượt).
Mấy ngày trước khi Phòng PC67 Công an TP.HCM loan tin về con số CSGT liêm khiết, trên một số trang báo chính thống và mạng xã hội đã lan truyền clip “CSGT Rạch Chiếc “làm luật” ở xa lộ Hà Nội”, với tốc độ chóng mặt. Thực hư chuyện này thế nào chưa xác nhận được. Trước nay, nhiều clip kiểu này cũng đã được đưa lên cơ quan chủ quản xác minh nhưng không thể kết luận là CSGT vi phạm. Song có một điều rất lạ là lâu nay, việc “làm luật”, mãi lộ trong lực lượng CSGT đa phần chỉ có báo chí phanh phui, sau đó lãnh đạo ngành mới căn cứ vào đó kỷ luật cán bộ. Rất ít hoặc nếu không nói là không có trường hợp mãi lộ nào được chính tay thanh tra hay lãnh đạo ngành phát hiện, xử lý kỷ luật và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xét theo luật, việc CSGT nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, còn việc không nhận hối lộ hiển nhiên là lẽ bình thường, vì đó là quy định của nhà nước đối với những “công bộc” của dân. Như vậy, việc CSGT được khen thưởng, được “nêu gương liêm khiết” khi không nhận hối lộ là điều nên hay không nên? Có người còn so sánh, nếu CSGT không nhận hối lộ được khen thưởng thì người dân cả nước cũng được khen thưởng vì không phạm tội ăn cắp, không mềm lòng với cái xấu (!)
Chúng ta có quyền nêu gương người tốt, việc tốt trong xã hội để cộng đồng noi theo, nhưng có lẽ không có gì đáng ồn ào khi khi khen thưởng các cảnh sát không nhận hối lộ. Liên quan đến thông tin này, cũng có ý kiến cho rằng ngoài việc tuyên truyền về những cái đã làm được thì lực lượng CSGT cũng nên nghiêm túc nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan và cầu thị những thiếu sót, những bất cập của ngành để củng cố hơn nữa niềm tin trong quần chúng, xây dựng vững chắc nội bộ. Bởi, “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Chung quanh clip phanh phui CSGT Rạch Chiếc mãi lộ đến nay vẫn chưa thấy lãnh đạo ngành có những động thái xác minh, xử lý? Điều này khiến dư luận thêm đồn đoán, thêm hoài nghi và trông chờ phản ứng từ phía lực lượng CSGT. Theo chúng tôi, đó là việc CSGT nên làm trước nhất.
Bình luận (0)