Không "nuông chiều" doanh nghiệp Nhà nước

02/11/2010 18:26 GMT+7

(TNO) Chính phủ cần hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và hạn chế rủi ro trong nền kinh tế, tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tư nhân để phát triển kinh tế bền vững... >> Không thể kêu thiếu điện mãi / Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn quá ít / Oằn gánh trách nhiệm vụ Vinashin / VN đang nhập siêu và xuất khẩu... hộ

Đó là một trong những kết luận của Quốc hội vào chiều nay (2.11) sau hai ngày làm việc thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Tách bạch nhiệm vụ chính trị với kinh doanh của DNNN

Theo ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM), trước đây, Chính phủ giải thích hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn DNNN một phần là do phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, tức nhiệm vụ chung không sinh lời. Nhưng hiện nay, các tập đoàn, DNNN hoạt động theo mô hình kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Nghĩa là những ngành, lĩnh vực họ kinh doanh giống y doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 
ĐB Vũ Viết Ngoạn nêu những điểm không hợp lý trong việc quản lý DNNN - Ảnh: Ngọc Thắng

Thế nên, ĐB Trừng cho rằng lẽ ra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải kinh doanh hiệu quả hơn vì được Nhà nước ưu đãi rất nhiều.

ĐB Trừng cũng nêu lên hiện trạng các tập đoàn, DNNN hiện nay “chi tiêu sử dụng thoải mái mà không cần tính toán hiệu quả”.

Vì vậy, ĐB Trừng đề nghị phải cải cách vấn đề quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tách bạch những nhiệm vụ chính trị chung với hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

  Tôi kiến nghị Chính phủ phải kiên quyết đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh chung. Đây là biện pháp cơ bản nhất để cải thiện hiệu quả kinh doanh của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước

ĐB Nguyễn Đăng Trừng

Còn ĐB Võ Trọng Việt (tỉnh Sơn La) thì cho rằng QH, Chính phủ “nuông chiều” tổng công ty, tập đoàn, DNNN là để tổng công ty, tập đoàn DNNN làm tốt. Theo ĐB Việt, bên cạnh Vinashin thì cần phải nhìn nhận có nhiều tập đoàn, tổng công ty đang làm tốt. Vì vậy, đừng để Vinashin làm ảnh hưởng đến chính sách, mô hình tập đoàn, DNNN.

Xung quanh cơ chế quản lý vốn của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, ĐB Vũ Viết Ngoạn (tỉnh Khánh Hòa) nhận định có một số điểm chưa được khoa học. Đó là người đại diện chủ sở hữu vẫn đồng thời là người quản lý hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đã bị cắt khúc ra, Thủ tướng đảm nhiệm một số quyền và nghĩa vụ; Bộ trưởng chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng quản trị... mỗi đối tượng đảm nhận một số quyền và nghĩa vụ.

 
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư báo cáo về quy chế hoạt động của DNNN - Ảnh: Ngọc Thắng

Mặt khác, hiện nay Bộ trưởng thậm chí đến Thủ tướng được giao và phân định quá nhiều nhiệm vụ mang tính chất kinh doanh và mang tính chất sự vụ doanh nghiệp nên không ai có đủ thời gian, sức lực để đảm nhiệm một khối lượng công việc quá nhiều đến như vậy.

Vì vậy ĐB Ngoạn kiến nghị tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, tăng cường thiết chế giám sát và hoạt động giám sát của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm giám sát vốn của Nhà nước tại tập đoàn của công ty sau khi đã có đại diện chủ sở hữu rồi.

Tạo môi trường phát triển kinh tế bền vững

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên kết luận sau hai ngày thảo luận: Về vụ việc Vinashin cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, đã bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra. Cơ quan an ninh Bộ Công an đang thụ lý vụ án này. Ủy ban kiểm tra T.Ư cũng đang làm theo chức năng của mình. Việc thành lập hay không thành lập Ủy ban lâm thời của QH để điều tra vụ án này còn có nhiều ý kiến khác nhau trong ĐB QH, cần phải được xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban thường vụ QH sẽ báo cáo ở một phiên họp khác tại kỳ họp này.

Báo cáo thêm trước QH về việc quản lý các DNNN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, cho biết trước năm 2003, chúng ta quản lý các tập đoàn nhà nước khá chặt, chặt đến mức các doanh nghiệp cho rằng mình không có quyền gì cả.

Đến năm 2003, có Luật DNNN, chuyển toàn bộ quyền chủ động kinh doanh cho các tập đoàn. Trong đó, Luật cho phép chủ tịch hội đồng quản trị hoặc hội đồng quản trị hoặc hội đồng quản trị ủy quyền cho tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án không quá 50% của vốn của tập đoàn.

Đối với kế hoạch kinh tế, xã hội của Chính phủ năm 2011, đa số các ĐB QH đều đồng ý, chỉ có ý kiến thêm về việc phân bố, chỉ tiêu, lộ trình thực hiện…

Qua hai ngày thảo luận, các ĐB QH lưu ý Chính phủ về các nhóm vấn đề: có chủ trương, biện pháp để có những chuyển biến đột phá trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp nông thôn; phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng phát triển kinh tế sạch, bền vững, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Các ĐB QH đề nghị Chính phủ tạo môi trường bình đẳng giữa các DNNN và tư nhân. Song song đó, rà soát chấn chỉnh, sắp xếp lại các DNNN, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt chấn chỉnh việc chi tiêu chưa tiết kiệm tại DNNN.

Chính phủ cần coi trọng phát triển bền vững, hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và kìm chế lạm phát, bội chi, hạn chế rủi ro…

Nguyên Mi - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.