Không phải do thiếu tiền

22/02/2017 00:00 GMT+7

Hình ảnh hàng trăm người và phương tiện xuyên đêm để cứu nạn đoàn tàu 15 toa lật nhào sau khi va chạm với xe tải đêm 20.2 ở Thừa Thiên-Huế có lẽ sẽ ám ảnh tâm trí của rất nhiều người.

Nhưng ám ảnh hơn phải là sự vô cảm của ngành đường sắt và chính quyền nhiều địa phương có đường sắt chạy qua. Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi năm có từ 300 - 400 vụ tai nạn đường sắt, với hơn 200 người chết và nhiều người bị thương; đa phần trong số đó liên quan đến những va chạm tại các đường ngang dân sinh. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tai nạn đường sắt tăng vọt so với cùng kỳ cả về số vụ và số người chết. Nhưng cũng từ nhiều năm nay việc xử lý đường ngang dân sinh như chuyện bắt cóc bỏ đĩa. Ngành đường sắt đổ qua chính quyền địa phương không kiểm soát được tình trạng mở đường ngang trái phép gây ra tai nạn, chính quyền các địa phương đổ lại ngành đường sắt không đầu tư làm rào chắn, lắp thiết bị cảnh báo tự động… Tóm lại, đường ngang dân sinh đã trở thành đường dân... tử trong khi các cơ quan chức năng bận tranh cãi về trách nhiệm.
Theo luật hiện hành, trách nhiệm chính về mặt đầu tư, đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, đường gom, đường ngang… thuộc ngành đường sắt. Chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm phối hợp với ngành đường sắt để đảm bảo an toàn. Tuy đổ qua, đổ lại về trách nhiệm, nhưng ngành đường sắt và chính quyền các địa phương lại rất thống nhất với nhau rằng, công tác xóa đường ngang dân sinh hạn chế là do thiếu… tiền.
Nhưng đáng tiếc, vấn đề khiến tai nạn đường sắt không thể giảm có vẻ không hoàn toàn do thiếu tiền mà nguyên nhân chính là do thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì đúng hơn. Theo báo cáo của ngành đường sắt, hiện toàn quốc có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp (tức có rào chắn, có biển cảnh báo...), nhưng có tới hơn 4.000 đường ngang bất hợp pháp. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước xóa được 32 lối đi dân sinh thì riêng tỉnh Hà Nam phát sinh thêm 34 lối đi trái phép. Câu hỏi đặt ra ở đây là, với năng lực quản lý địa bàn, chỉ cần người dân đổ cát xây một viên gạch không phép trong nhà họ cũng có cán bộ đến viết giấy phạt, thế mà cả một lối đi được mở ngang đường sắt, người xe chạy cả ngày lại không có chính quyền nào tuýt còi thì kể có lạ không?
Rồi việc làm gờ giảm tốc tại các đường ngang, barie tự động, lắp đèn chớp ấn tượng tại các đường ngang, nóc đầu máy để tăng cảnh báo có vẻ cũng không phải quá tốn kém. Tại sao không làm?
Lỗi trực tiếp trong mỗi vụ tai nạn, đúng là do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát khi vượt đường ray. Nhưng không thể bỏ qua lỗi thiếu trách nhiệm của ngành đường sắt và chính quyền địa phương như đã nói. Người ta gọi những đường ngang dân sinh là “cái chết được báo trước”. Hãy đừng mãi vô cảm với tính mạng của đồng bào mình như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.