'Không phát triển kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/01/2025 15:08 GMT+7

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính, cho rằng nếu không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, đất nước sẽ khó có sự vươn mình.

Sáng 9.1, phát biểu khai mạc tại tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ngày 10.10.2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

'Không phát triển kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình'- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam

ẢNH: GIA HÂN

Ông Tịnh đánh giá, hiện khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41 chưa được cụ thể hóa. Ông mong muốn, tọa đàm sẽ thảo luận, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ việc hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc.

Nêu ý kiến tại tọa đàm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, khẳng định nếu muốn đi vào giai đoạn doanh nghiệp dân tộc, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện là tuân thủ pháp luật.

Ông Hiếu đề nghị cần xem lại các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, để không có sự chồng chéo, đồng thời có chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính), cho rằng việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp không nên chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà cần có các biện pháp phù hợp để hỗ trợ cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Nếu không phát triển được vai trò của kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình", ông Thịnh nhấn mạnh.

Lập "chỉ giới đỏ", tránh rủi ro cho doanh nghiệp

TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), cho biết sau 40 năm đổi mới, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động, nguồn thu nhập của người dân Việt Nam.

'Không phát triển kinh tế tư nhân, khó có sự vươn mình'- Ảnh 2.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến tại tọa đàm Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam

ẢNH: GIA HÂN

Để doanh nghiệp dân tộc có môi trường phát triển, ông Cương đề nghị phải làm truyền thông thật tốt để có thể loại bỏ những quan điểm chưa công bằng với doanh nghiệp tư nhân. Cùng đó, rà soát, lắng nghe trăn trở của các doanh nghiệp, để thấy điều gì chưa ổn thì thay đổi.

Ông cũng đề nghị tạo không gian tự do, rộng mở cho khu vực kinh tế tư nhân, lập "chỉ giới đỏ" cho những hành vi bị cấm, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cấp công nghệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nhân…

Ông đồng ý với đề nghị về việc doanh nghiệp tham gia xây dựng pháp luật. "Những chính sách cần thiết, phù hợp nhất phải được chính các doanh nhân đề xuất", ông Cương nhấn mạnh.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến 2030, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt.

Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Tại Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương hôm qua 8.1, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặt câu hỏi: "Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị "tổ" cho "đại bàng", điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những "cánh rừng", những "cánh đồng" cho các "đàn ong" lấy hoa làm mật?".

Tổng Bí thư cho biết, giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.

"Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm? Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm", Tổng Bí thư nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.