Đó hay đây dự Cánh diều 2011, được đánh giá đầy tính sáng tạo, nhưng giới chuyên môn có vẻ xa lạ với dòng phim độc lập này. Còn đạo diễn Síu Phạm sống tại Thụy Sĩ hơn 30 năm nay, không nản khi quyết định theo đuổi cách làm phim chưa phổ biến ở Việt Nam.
|
“Đó hay đây” từng dự “Những xu hướng mới” tại LHP Busan 16. Đạo diễn thấy sao khi dòng phim độc lập chưa quen thuộc với ngay cả giới chuyên môn ở Việt Nam?
Người xem phim ở Việt Nam rất đông, có người thích dòng phim mới, có người chuộng dòng phim làm theo cách thông thường. Tôi nhận được nhiều lời khen, khuyến khích, chia sẻ về việc làm phim độc lập, ngân sách thấp. Tôi nghĩ có một số người trẻ Việt Nam rất quan tâm.
Phim phải dựa trên một ý tưởng độc đáo. Càng độc đáo càng tốt, dù có bị thất bại. Chẳng lẽ lại bỏ công phí sức làm một phim giống các phim khác, và chờ đợi sở thích các nhà đầu tư thì rất khó để thực hiện những phim đặc biệt.
Từng làm ba phim tài liệu rồi mới làm phim điện ảnh đầu tay ở tuổi lục tuần, liệu đây có phải bước đi chắc chắn mà đạo diễn lựa chọn?
Tôi từng làm trợ lí cho đạo diễn Võ Doãn Châu, và làm việc với đạo diễn Lê Hoàng Hoa trước 1975. Làm đạo diễn sân khấu trên 10 năm tại Thụy Sĩ, nên việc làm phim thật ra không xa lạ gì. Nhất là tôi đã nhận giải kịch bản tại LHP Locarno năm 2002. Tôi cũng học hai năm lớp điều khiển diễn viên tại Fonction Cinema, Geneve (Thụy Sĩ).
Có một phát biểu quen thuộc trong giới làm phim: “Nếu không điên thì không ai đi làm phim cả”. Làm phim cũng như làm nghệ thuật, luôn trong sự bức xúc của cảm xúc, không kể tuổi tác. Làm phim lúc trẻ hay già chỉ có một điều đáng phải nói: Làm một phim dở cũng tốn nhiều công sức và cũng gặp nhiều khó khăn như làm một phim hay (cười). Nên nguyên tắc của tôi là không nhượng bộ sự dễ dãi, không chiều theo thị hiếu của đám đông, có lẽ đó là tại vì lớn tuổi. Nếu làm một phim mà mình phải xấu hổ vì phim đó thì tôi sẽ không còn thời gian để sửa chữa… lỗi lầm.
“Đó hay đây” là phim kén khán giả. Bà chủ định phim không dành cho mọi đối tượng?
Tôi cố gắng làm phim tốt. Phim này không kén khán giả, chỉ cần khán giả để mình trôi theo cảm xúc và tham gia vào trí tưởng tượng của chính mình, hòa nhập với trí tưởng tượng của nhân vật. Tại LHP ở Osaka, khán giả Nhật ngạc nhiên khi tôi hỏi họ có vấn đề gì về việc “không hiểu” phim không. Họ rất ngạc nhiên tại sao tôi lại hỏi vậy. tôi phải xin lỗi họ.
Một số nhà phê bình nói phim của bà đầy chất thơ. Liệu trải nghiệm họa sĩ, đạo diễn sân khấu có phải là lợi thế?
Cảm ơn câu hỏi, tôi cho rằng câu hỏi này là một lời khen và khuyến khích tôi tiếp tục làm phim.
Bà sinh sống ở Thụy Sĩ, “Đó hay đây” cũng nói về sự lạc lõng của hai vợ chồng già ở mảnh đất quê hương người vợ. Liệu có chút bóng dáng nào của đạo diễn trong đó?
Phim dựa trên tính chất tự truyện. Và vì đó chúng tôi sống ở tại bối cảnh phim trong vòng gần 1 năm nên mới ra được kịch bản, mặc dù đó hoàn toàn là hư cấu. Có lẽ điểm mạnh của kịch bản là đã dựa trên những con người và môi trường quanh chúng tôi... Như căn nhà trong phim, chính do tay chúng tôi sơn phết, bày biện, chúng tôi sống ngay tại đó. Nên khi các cảnh trong phim đều được chọn lựa kỹ lưỡng và trăn trở rất lâu. Kịch bản cũng phải viết đi viết lại 17 lần.
Đó hay đây kể về người chồng Pháp theo bà vợ Việt về quê hương sinh sống ở một làng chài miền Trung. Không chỉ ông chồng (Jean Luc Mello-đồng biên kịch và là chồng của Síu Phạm), chính người vợ sau nhiều năm xa quê cảm thấy lạc lõng. Nhưng giao thoa văn hóa không phải là đích đến của đạo diễn. Phim đưa người xem chìm vào thế giới tưởng tượng, nơi ông chồng nghĩ về cái chết tự do giữa biển khơi, là niềm hào hứng làm tình với vợ trong thân xác cô gái trẻ... Nhân vật chính cũng như khán giả nhiều lúc lạc lối, không rõ đâu là mơ, đâu là thực. |
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)