Không phụ nữ không nước mắt - Truyện ngắn của Yên San Thụy Miên

01/05/2016 05:29 GMT+7

Bên ban công, Di châm điếu thuốc. Điếu thuốc dài mảnh kẹp giữa hai môi, đưa bật lửa lên rồi, Di đánh mắt sang phía cô. Không sao chứ chị?, cô lắc đầu.

Dù gì họ cũng tìm cách lên được đây rồi. Em không lo thì chị lo làm gì. Dù sao cũng chẳng phải con mình. Tôi nhìn Di, vẻ ngờ vực có lẽ đã hiện quá rõ trong đáy mắt. Vâng, em có. Chị đừng nhìn em bằng ánh mắt đó. Một nét cười. Là cháu chị mà, đúng không? Dù sao cũng hơn là cái này, Di chỉ vào bụng cô. Cái bụng lùm lùm như một mâm xôi, bao chứa trong nó hình hài sự sống.
Một hơi thuốc dài rít vào. Một làn khói nhả ra. Gió lộng tán khói đi vào lòng thành phố khi nó còn chưa kịp tụ thành đám.
Cô chậm rãi nhấp chỗ cà phê Di mang đến, cảm nhận vị mát lạnh đăng đắng của nó rướm trên các gai vị giác rồi trôi nhẹ xuống cuống họng, vương vấn một lúc trước khi trôi xuống tiếp. Đã mấy tháng rồi cô không được chạm đến thứ hương vị ưa thích này. Này chị, liệu bà già ấy có theo chúng ta lên đây không? Cô chậm rãi lắc đầu. Để bà ấy nhìn thấy chị uống cà phê rồi lại đi mách lẻo, nhỡ người ta trừ tiền thì sao.
Em định thế nào?
Chị muốn em thế nào?
Chị không biết. Thân chị bây giờ không thuộc về chị. Làm sao chị mách nước cho em được.
Chị nghĩ chúng ta đang chơi cờ sao?! Di bật cười: một âm vực ngắn, khô, lạnh như một miếng táo bị hóc trong họng bật ra. Cô châm điếu thuốc thứ hai.
Lâu chưa?
Sao chị toàn hỏi mấy câu chán ngắt đó. Để làm gì cơ chứ. Đằng nào em cũng… Trong giọng Di có chút bực bội, như thể ai làm bẩn chiếc áo chiếc quần mà cô ưa thích. Di vứt điếu thuốc còn quá nửa xuống chân, di nát nó. Cô lại nhớ đến lần cô trót ngâm chiếc quần trắng ưa thích của Di cùng đám quần áo màu. Di lôi chiếc quần từ trong tủ ra, đùng đùng vứt thẳng trước mặt cô, gần như mất hết kiểm soát. Bây giờ, Di đã không còn thế nữa. Có lẽ, cô ấy đang cố gắng giữ lại rất nhiều gạch đá ngổn ngang ở sâu bên trong, không cho nó bùng ra như một quả bom.
Di châm điếu thuốc mới. Điếu thứ ba.
Đằng nào em cũng không muốn có nó.
Ừ, chị hiểu.
Một tràng cười bật ra: vừa sảng khoái vừa chan chát. Chúng ta có đúng là đang chơi cờ không chị nhỉ. Em có quyền có mà lại không thích. Chị thích mà lại không có được. Có được thì không phải của mình. Ông trời có khi nào đang trêu ngươi chị em mình không.
Cô dốc ngược cốc cà phê vào miệng. Cốc đã cạn không còn giọt nào. Cô ngửa cổ thật căng, cố cho giọt cuối cùng rơi xuống nhưng nó chỉ chảy đến lưng chừng cốc rồi đọng lại.
Người đàn bà giúp việc tận tụy nhất cử nhất động đều răm rắp tuân theo lời bà chủ, đến một giọt bia cũng không cho cô động vào. Quan trọng là cô ấy bảo lo cho sức khỏe của cô, lo cho đứa trẻ, thương cô cũng như thương con gái mình. Sau một chuỗi nỗ lực của cô: mở rất nhiều loại trang web, báo chí, tài liệu khoa học (và không khoa học), đọc những thông tin nói rằng phụ nữ mang thai uống chút bia cũng không hề hấn gì, giải thích tường tận con đường hoạt động của bia và cơ chế hấp thụ của thai nhi, phân tích những thành phần vô hại của bia, lược sử về bia, các loại bia trên thế giới, vân vân và vân vân. Cuối cùng, kết quả nhận được: vẫn là lắc đầu. Thực ra thì cô vốn chẳng có việc gì để làm, xem đó như một cuộc chuyện phiếm; hoặc một sự đùa vui với người giúp việc. Tối qua, cô đã lên cả một kế hoạch dành lấy cho mình một khoảng thời gian thong dong đủ để uống một tách cà phê, một lon bia mà Di đã mang đến, thêm một chút không gian riêng tư để mộng tưởng về những điều bấy lâu cô lãng quên.
Đầu tiên, tìm ra điểm mềm yếu chí mạng trong tâm lý của đối phương: là một phụ nữ trạc tuổi mẹ cô; chẳng khó để biết cô ấy cùng quê với mẹ: nơi mà những người phụ nữ sinh ra, đến tuổi thiếu nữ đẹp như hoa như lá, rời xa quê hương cống hiến (vì lý tưởng bản thân, vì yêu cầu khách quan, có khi chẳng vì cái gì, vì trốn tránh cái nghèo) những tháng năm tuổi trẻ, lấy một ông chồng ở một nơi cách xa tít mù khơi với nơi chôn rau cắt rốn, về thăm nhà theo chu kỳ mười mấy năm một lần, bây giờ tất cả hy vọng vào tương lai ở quãng đời xế bóng đều gửi cả vào những đứa con gái như cô. Nói là kế hoạch, thực ra cô cũng chẳng cần dụng công nhiều. Tối nằm thủ thỉ với cô ấy một lúc về người mẹ ở nhà, háo hức trầm trồ về những món ăn quê nhà mẹ thường nấu, thỉnh thoảng đưa tay lên chấm nước mắt, khẽ sụt sịt một chút. Chỉ cần thế thôi.
Sáng hôm sau, người phụ nữ giúp việc ra khỏi nhà từ sáng sớm, để lại một mẩu giấy với nét chữ chân phác trong đó có những gạch đầu dòng dặn cô phải ăn những gì uống những gì trước khi cô ấy về và chuẩn bị cơm trưa: tất nhiên đều là những món cô đã vô tình kể lể tối qua. Dòng cuối là thời gian áng khoảng sẽ về. Cô mỉm cười. Chắc chắn là đi lâu hơn thế.
Cô chốt khóa cửa, kê chiếc ghế bành lớn ngồi bên khung cửa rộng trông xuống con đường bề bộn trong thành phố, thật chậm nhấp từng giọt cà phê, thật khẽ chạm vào những khoảnh khắc riêng tư hiếm hoi. Nhưng mỗi hơi thở dường như đều trở nên lỗi nhịp. Đầu óc cô hoàn toàn mông lung. Cảm giác mất trọng tâm xâm chiếm.
Di nói, cô ấy không lưu luyến sinh mệnh ấy. Có thật thế không. Cách Di bực bội ném điếu thuốc còn dở xuống chân đã tố cáo cô ấy. Có thể Di đang cực kỳ dằn vặt. Có lẽ Di đã trên cả trăm lần đấu tranh với bản thân. Mãi đến giờ ngồi nghĩ lại cô mới sực tỉnh, hóa ra Di tìm đến cô không phải để thăm nom, thông báo hay chuyện phiếm. Di chắc chắn đã thầm mong cô hãy can ngăn cô ấy, hãy mắng mỏ cô ấy là một cô gái tàn nhẫn, lên lớp cho cô ấy một trận về điều bất nhẫn cô ấy sắp làm. Di đã mong như vậy, còn cô đúng như Di nói, chỉ biết hỏi mấy câu chán ngắt đó. Những câu hỏi chẳng để làm gì và chẳng đi đến đâu. Giờ này có lẽ Di đã đến phòng khám rồi, cùng với một ai đó không thân quen cũng chẳng xa lạ: là một người bất chợt Di nhờ vả được, hoặc một mình. Di vẫn như thế.
Cô nhặt điện thoại, mở danh bạ tìm số của Di. Là một số từ lâu lắm rồi. Gần đây, họ chỉ nói chuyện với nhau trên Facebook, địa chỉ nơi cô đang ở cô cũng nhắn cho Di trên đó. Di đến đây mà không hề phải hỏi lại đường hay báo trước. Di chỉ đơn giản là bấm chuông và bước vào. Thế nên để đáp lại sự lưỡng lự của cô, từ chiếc máy chỉ lặp lại một thông báo đều đều. Cô ngắt máy. Di đã dùng số khác. Hoặc đã tắt máy. Ngay cả chuyện này cô cũng không biết.
Cô ngây ngô nhìn xuống, đưa bàn tay vuốt ve cái bụng tròn vo tháng thứ bảy. Thế là, dầu cho người ta nhọc công giữ gìn cho đứa trẻ một bầu khí quyển trong lành, thì cô đã đầu độc nó bằng những giọt cà phê.
Thực ra, họ không biết: mỗi ngày cô đều đầu độc đứa trẻ này bằng tâm tư mình. Mỗi ngày một chút. Một chút. Họ có thể cấm cản cô uống trà, uống cà phê, uống bia, ăn những món ăn vô thưởng vô phạt nhưng không thể kiểm soát cõi lòng cô. Họ không biết rằng, mỗi phút mỗi giây cô đều trút vào sinh linh ấy, trái tim ấy dòng máu mang xúc cảm của cô. Đứa trẻ này sẽ sinh ra mang di truyền của họ và mang lịch sử tâm hồn cô.
Anh đã ra đi, để lại cô trong thành phố này, không một mầm sống, không một kết nối. Anh keo kiệt với cô đến thế.
Chị tin anh ấy đến thế ư? Lời Di réo rắt bên tai. Không phải cô tin anh. Cũng không phải cô không tin anh. Cô chỉ tin vào sự lựa chọn của mình. Đến giờ cô vẫn nghĩ mình không sai. Nếu cô dám chối bỏ điều mình tin tưởng thì hẳn đó là lý do chính đáng để người ấy chối bỏ cô. Thế nên, cô phải tin. Chị định dùng đứa bé chẳng chút máu mủ này để thay thế cho đứa bé trong mộng tưởng của chị sao. Thật ngây thơ. Và cũng thật độc ác. Chị đừng tự huyễn hoặc mình nữa. Đừng tự biến đời mình thành một thiên tiểu thuyết. Di nói.
Vậy thì đã sao. Chị nghĩ, chỉ cần chị cảm thấy bằng lòng là được.
Bằng lòng ư? Tràng cười âm vang sự mai mỉa quen thuộc. Em xin chị đấy!
Còn em thì sao? Em nghĩ rằng chối bỏ sinh linh kia thì em sẽ không còn một chút gắn bó nào với em trai chị ư. Em tin rằng, mình sẽ nhẹ nhõm ư.
Chị thôi đi. Nếu tài giỏi thế, sao chị không có nổi một đứa con với anh ta.
Cô quay đi, xoay cái cốc trong tay vờ như nó còn tỏa ra hơi nóng, vờ như chẳng để tâm đến lời Di, vờ như đang sưởi ấm bàn tay trong một cuộc nói chuyện đầy dịu nhẹ, êm ái giữa hai chị em.
Di nhận ra mình đã quá lời. Nên cô im lặng. Di châm thuốc: điếu thứ sáu.
Cốc cà phê trong tay cô cạn từ khi nào. Nhìn lên đồng hồ. Hóa ra mới chỉ mười lăm phút trôi qua. Cô bật lon bia đã để sẵn cạnh. Đó là món quà thăm hỏi của Di tối qua, kèm theo cà phê. Mặc kệ đang là sáng sớm, cô nghĩ mình sẽ uống bia ngon lành. Nhưng hình như không phải. Không xộc lên mũi, không trào ngược lên trán, tê rần rần ở mang tai như cô hằng tưởng tượng. Chỉ hơi đắng và nhạt. Phút chốc cô thấy cuộc đời mình quả không khác là mấy một câu chuyện hư cấu: cô chính là tác giả, mà cô cũng chính là nhân vật. Di ở bên cạnh, như một độc giả tưởng tượng, không ngừng chất vấn, mỉa mai, cười nhạo cô.
Chị có nhất thiết đẩy đời mình đến mức ấy không? Chẳng vì lý do gì cả. Chị, rõ ràng không cần tiền đến thế.
Chị cần tiền. Em biết mà.
Chị chỉ đang cố trừng phạt anh ấy, đúng không?
Tại sao chị phải làm thế?
Nhưng, anh ấy sẽ chẳng bao giờ biết đến hình phạt chị dành cho anh ấy cả đâu. Anh ấy không thèm quan tâm, chị ạ. Chị chỉ đang giày vò bản thân mình thôi. Một cách vô ích. Chị nghĩ ai sẽ là người thương xót chúng ta? Chẳng ai cả, ngoại trừ chúng ta. Chị làm ơn hãy thương xót bản thân mình một chút.
Cô nhìn Di. Nom cô ấy càng ngày càng trắng bệch ra, mềm oặt như một cọng mồng tơi. Hai cánh tay buông thõng trên bờ vai mảnh như hai cánh hồng, ngón tay dài như những nhánh cây mùa khô. Cô nhếch mép mai mỉa, học theo cách của Di. Xem kìa, Di đang dạy cô cách yêu bản thân cơ đấy. Dẫu sao, cô cũng cảm thấy trong đó một chút thành thực. Di có chăng cũng chỉ là đang gián tiếp mắng mỏ bản thân mình. Là bên trong Di đang kêu gào đó thôi. Di đáng thương của cô.
Cô đi ra hành lang, vứt lon bia còn già nửa vào thùng rác chung của tòa nhà. Trước khi nghe tiếng mở cửa lạch xạch phía ngoài, cốc sữa bầu đã pha trước đó vài phút đang đặt ngay ngắn trên bàn bếp, cô giở một trang bất kỳ trong cuốn truyện thiếu nhi đã để sẵn trước mặt, vờ chăm chú đọc.
Rồi em với chị sẽ đi chơi thật đã bằng số tiền đó chứ?! Lời Di văng vẳng bên tai cô. Các nhà văn thật là may mắn vì không có độc giả tưởng tượng nào đòi đi chơi bằng tiền nhuận bút của họ cả. Cô thầm nghĩ theo cách mỉa mai của Di.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.