Không quản lý nổi thì cấm

13/08/2011 00:15 GMT+7

Việc chính phủ 4 nước EU là Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cấm giao dịch ngắn hạn cổ phiếu (short-selling) cho thấy những chính phủ này đang lúng túng và bị động trong việc đối phó những xáo trộn của thị trường. Lập luận của Cơ quan kiểm soát chứng khoán và thị trường châu u (ESMA) cũng rất khiên cưỡng khi vừa khẳng định tính hợp pháp của short-selling, nhưng đồng thời cho rằng việc “kết hợp loại giao dịch này với những tin đồn thất thiệt trên thị trường” là bất hợp pháp.

Short-selling là một dạng đầu cơ vào chiều hướng giảm giá của cổ phiếu. Người ta trù tính một cổ phiếu nào đó sẽ giảm giá và vay loại cổ phiếu đó, chấp nhận trả lệ phí hay lãi suất, rồi bán đi ngay lập tức. Khi giá giảm thì nhà đầu tư mua lượng cổ phiếu đã vay để trả lại nhằm hưởng chênh lệch. Trên thực tế, việc cấm short-selling là biện pháp chống đầu cơ ngắn hạn vì không quản lý nổi thị trường và chỉ mang tính tình thế. Áp dụng biện pháp này, chính phủ có thể cứu các ngân hàng không bị hoạt động đầu cơ đánh sập và bình ổn thị trường trong thời gian ngắn nhất định, nhưng đồng thời tự bộc lộ những yếu kém và bất lực.

Việc cấm short-selling và cách lập luận của ESMA phản ánh mức độ xáo động mạnh mẽ trên thị trường ở châu u cũng như nguy cơ mới đối với 4 nước nói trên. Nó khiến liên tưởng đến môi trường tài chính, tiền tệ và chứng khoán thế giới sau khi Ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ sụp đổ năm 2008. Trong tâm trạng thần hồn nát thần tính, 4 thành viên EU và ESMA hành động theo phương châm không quản lý nổi thì cấm và thà cấm thừa còn hơn để thảm cảnh xưa tái diễn. Nếu cứ ứng phó như vậy thì đâu khác gì “múa vụng đổ cho đất lệch”.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.