Không quân Ukraine chịu chuỗi tổn thất nặng nề nhất từ đầu xung đột?

Không quân Ukraine chịu chuỗi tổn thất nặng nề nhất từ đầu xung đột?

La Vi
La Vi
04/07/2024 15:00 GMT+7

Lực lượng không quân Ukraine dường như vừa trải qua một đợt tổn thất nghiêm trọng nhất tính từ đầu cuộc xung đột với Nga vào tháng 2.2022.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 2.7 cho biết quân đội nước này đã phá hủy và làm hư hại 9 máy bay chiến đấu của Ukraine trong ngày 1.7.

Một video được công bố cho thấy một vụ tấn công bằng tên lửa vào sân bay Mirgorod của Ukraine ở vùng Poltava. Moscow cho biết tổng cộng 7 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 đã bị phá hủy hoặc hư hỏng trong cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander-M.

Đại tá Yuri Ignat, thư ký báo chí Bộ tư lệnh không quân Ukraine, xác nhận đòn tập kích của Nga đã gây thiệt hại nhưng "không nghiêm trọng như đối phương tuyên bố".

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cập nhật thông tin cho biết thêm một máy bay Su-27 và một chiếc MiG-29 đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ.

Và ngay trong ngày 2.7, lại xuất hiện thêm một video do máy bay không người lái Nga ghi lại đòn tập kích bằng tên lửa Iskander-M mang đầu đạn chùm nhằm vào sân bay quân sự Poltava. Theo tài khoản đăng video, một trực thăng vũ trang Mi-24 và 4 xe kỹ thuật đã bị phá hủy.

Không quân Ukraine chịu chuỗi tổn thất nặng nề nhất từ đầu xung đột?- Ảnh 1.

Sân bay Poltava là căn cứ của lữ đoàn không quân lục quân số 18, đơn vị vận hành trực thăng đa dụng Mi-8MSB và trực thăng tấn công Mi-24. Trong khi đó, căn cứ Mirgorod là nơi đóng quân của lữ đoàn không quân chiến thuật số 831 và 39 Ukraine, được biên chế gần 40 chiến đấu cơ hạng nặng Su-27 trước khi chiến sự bùng phát.

Hai sân bay quân sự đều nằm sâu trong hậu phương của Ukraine, cách tiền tuyến khoảng 100-150 km.

Nhà quan sát quân sự David Axe của tạp chí Forbes đã gọi vụ bắn phá sân bay Mirgorod hôm 1.7 là “một trong những ngày thiệt hại nhất đối với lực lượng không quân Ukraine” kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2.2022.

Chuyên gia này bình luận: "Số đợt tập kích của Nga nhằm vào sân bay quân sự Ukraine đã tăng dần từ cuối năm ngoái, phá hủy nhiều phi cơ quý giá... Không quân và không quân lục quân Ukraine đã thiệt hại nặng nề do chiến sự, khó lòng duy trì lực lượng chiến đấu nếu tình trạng này tiếp diễn".

Hiện không rõ quân đội Ukraine còn bao nhiêu chiến đấu cơ đủ khả năng vận hành, nhưng Kyiv gần như không còn nguồn cung máy bay hoàn chỉnh và phụ tùng đi kèm. Các nước phương Tây dự kiến viện trợ hàng chục tiêm kích hạng nhẹ F-16 và Mirage 2000 cho Ukraine, nhưng số máy bay này cũng rất dễ trở thành mục tiêu nếu hệ thống phòng không của Ukraine tiếp tục khiếm khuyết. Giới bình luận quân sự phương Tây cảnh báo rằng việc để UAV Nga thoải mái hoạt động ở khu vực cách tiền tuyến hơn 150 km, liên tục chỉ điểm mục tiêu theo thời gian thực là điều rất đáng lo ngại với quân đội Ukraine.

Nhà quan sát của tạp chí Forbes nhận định: "Quân đội Ukraine thường bảo vệ những căn cứ quan trọng nhất bằng mạng lưới phòng không nhiều tầng, với hàng loạt tổ hợp tên lửa từ tầm ngắn đến xa. Tuy nhiên, họ đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải cùng lúc bảo vệ các thành phố, điểm tập kết binh lực cùng căn cứ chủ chốt như Mirgorod và Poltava".

Kyiv đã yêu cầu các đồng minh cung cấp máy bay F-16, với hy vọng loại chiến đấu cơ hiện đại này có thể giúp Ukraine cân bằng ưu thế trên không. Theo các quan chức phương Tây, F-16 cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Quân đội Ukraine dự kiến có tới 60 máy bay chiến đấu F-16 sẽ được một số nước châu Âu cung cấp. Nhưng theo truyền thông phương Tây, năng lực đào tạo phi công Ukraine chưa đáp ứng được yêu cầu của Kyiv.

Moscow đã cảnh báo rằng việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục vũ trang cho Ukraine không thể thay đổi kết quả của cuộc xung đột mà có thể kéo các quốc gia phương Tây vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.