Hải chiến Coral 1942
Dù không quân đã tham chiến cùng hải quân từ trước Thế chiến 1, nhưng trận hải chiến Coral năm 1942 giữa Nhật và Mỹ, được xem là trận chiến kinh điển đầu tiên kết hợp hai lực lượng này. Trận này được mô tả khá chi tiết trong cuốn sách The Battle of the Coral sea (Trận chiến biển San hô) của chuyên gia hải quân Chris Henry phát hành năm 2003.
|
Trận Trân Châu Cảng năm 1941 mở ra mặt trận Thái Bình Dương với ưu thế nghiêng về Nhật Bản. Năm 1942, với tham vọng bành trướng xuống phía nam, Nhật tổ chức tấn công hòng xâm chiếm Úc và New Zealand. Mỹ đã nhanh chóng ra tay cản bước tiến của Nhật, và cuộc chiến biển Coral đã nổ ra từ 4 - 8.5.1942.
Nhật điều 2 tàu sân bay hạng nặng Shokaku và Zuikaku, 1 tàu sân bay nhỏ Shoho, 9 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục cùng một số tàu hỗ trợ và 127 máy bay các loại. Mỹ tham chiến bằng 2 tàu sân bay hạng nặng, 9 tàu tuần dương, 13 tàu khu trục cùng một số tàu hỗ trợ và 128 máy bay. Máy bay ném bom, máy bay chiến đấu của cả hai bên xuất kích từ các tàu sân bay và căn cứ quân sự vùng lân cận.
Ngày 8.5.1942 được xem là đỉnh điểm của cuộc chiến, hạm đội hai bên cách nhau chưa đến 200 hải lý. Tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom của Nhật và Mỹ lao vào “xáp lá cà” trên biển. Máy bay hai phía quần đảo dày đặc trên bầu trời và không ngừng thả bom và ngư lôi tự hành bắn phá tàu chiến lẫn nhau. Cuối cùng, cả hai phía đều tổn thất nặng nề, nhưng kế hoạch xâm chiếm Úc của Nhật đã hoàn toàn phá sản.
Sau đó, hai bên tiếp tục chiến đấu lẻ tẻ cho đến trận hải chiến Midway, một thất bại đau đớn của Nhật, diễn ra vào tháng 6.1942. Trận Midway tạo ra bước ngoặt quan trọng trên mặt trận Thái Bình Dương và ưu thế bắt đầu nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Vai trò không thể thiếu
Kể từ Thế chiến 2, không quân trở thành lực lượng sống còn của mọi quốc gia, hỗ trợ chặt chẽ cho lực lượng hải quân, vì tàu chiến bị hạn chế về tốc độ mà đại dương thì quá rộng lớn. Các cường quốc Mỹ, Nga, Anh, Pháp… biên chế hẳn một số đơn vị không quân trực thuộc hải quân. Các quốc gia Đông Nam Á có đường bờ biển dài, không quân có thể nhanh chóng triển khai tác chiến trên biển từ các sân bay sát bờ nên dễ dàng đảm bảo phòng vệ mà không cần đến tàu sân bay.
Các loại máy bay đều có thể tham gia hải chiến, trong đó, nhiều loại được cải tiến cho phép lên xuống trực tiếp như máy bay trực thăng, rút ngắn khoảng cách lấy đà cất cánh hay phải sử dụng thiết bị hỗ trợ cất cánh. Nhờ đó, không quân đảm nhiệm tất cả các hoạt động từ do thám, định vị tàu chiến, tàu ngầm đến tấn công tiêu diệt tàu chiến. Hơn nữa, tầm hoạt động của máy bay rất xa, nên hầu hết các loại máy bay hiện nay đều có thể tham gia hải chiến vô cùng hiệu quả.
Một số máy bay đắc dụng cho hải quân Theo tự điển Jane's Aerospace Dictionary, sau đây là một số loại máy bay có thể đóng vai trò đắc lực trong hải chiến: 1. Máy bay tiêm kích: có nhiệm vụ “không đối không”, trực tiếp chống máy bay của đối phương. 2. Máy bay ném bom: Thường là các loại máy bay hạng nặng có kích thước lớn, chuyên ném bom mặt đất, thả ngư lôi xuống biển để chống tàu chiến. 4. Máy bay chiến đấu đa nhiệm: hầu hết các loại máy bay chiến đấu ngày nay đều là máy bay chiến đấu đa nhiệm có thể tham gia đánh tàu chiến. 5. Máy bay trinh sát, do thám: được trang bị các hệ thống cảm biến, dò tìm có công suất lớn để phát hiện tàu chiến, tàu ngầm, ngư lôi và thủy lôi. |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)