Không ràng buộc ranh giới khi truy đuổi 'cát tặc'

23/11/2019 07:32 GMT+7

Dù số vụ khai thác cát trái phép bị phát hiện năm sau thấp hơn năm trước nhưng đại diện các địa phương đều thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chiều 22.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị công tác phối hợp kiểm tra, xử lý khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh, với sự tham gia của đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.
Ngay sau hội nghị, đại diện BĐBP TP.HCM cùng 2 tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ. Theo quy chế, đối với trường hợp đột xuất các đơn vị thông báo cho nhau qua điện thoại để chủ động phối hợp xử lý.
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM, thông tin từ đầu năm 2019 đến nay, BĐBP đã phát hiện 25 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng, tịch thu 4.900 m3 cát. Trong khi đó, 2 năm (2017 - 2018), lực lượng chức năng phát hiện 126 vụ, phạt gần 4 tỉ đồng, tịch thu hơn 31.000 m3 cát, gần 300 máy hút cát và 10 ghe gỗ. Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, BĐBP tỉnh xử phạt 26 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép với tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng, tịch thu hơn 13.000 m3 cát trong năm 2019.
Dù số vụ khai thác cát trái phép bị phát hiện năm sau thấp hơn năm trước nhưng đại diện các địa phương đều thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. “Cát tặc” dùng nhiều cách đối phó như theo dõi, chống trả lực lượng chức năng, khai thác vào ban đêm ở địa phận giáp ranh, dùng ghe nhỏ dưới 50 m3 để vận chuyển cát...
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho rằng lãnh đạo các địa phương cần thông tin kịp thời khi phát hiện đối tượng khai thác cát trái phép qua điện thoại, vì “chỉ cần 30 phút là đối tượng đã rời khỏi hiện trường nên việc trao đổi qua đường văn bản không có tác dụng”. “Ngay cả việc gọi điện để xử lý vào ban đêm cũng đã là một vấn đề. Nếu phát hiện lúc 1 giờ sáng mà đến 5 giờ sáng mới nhận điện thoại thì cũng không hiệu quả”, vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, đề xuất cần thực hiện nguyên tắc không có ranh giới về truy đuổi. Bà Mỹ dẫn chứng Sở TN-MT khi truy đuổi một trường hợp khai thác cát trái phép thì đối tượng chạy sang địa phận tỉnh khác để làm khó lực lượng chức năng. Ngay sau đó, Sở đã phối hợp với địa phương đó lập biên bản và xử lý được đối tượng thăm dò, khai thác cát trái phép ở địa phận tỉnh này.
Nhấn mạnh tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ. “BĐBP TP.HCM cần có cơ chế phối hợp thường xuyên với các tỉnh về cung cấp thông tin, hình ảnh người và phương tiện vi phạm để xử lý triệt để”, ông Phong nói và lưu ý các đơn vị liên quan phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, không để cán bộ chiến sĩ tiếp tay cho “cát tặc”, nếu phát hiện tiêu cực thì xử lý nghiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.