Mô hình thu phí mới tuy hiện đại và thuận tiện, song vấn đề đáng bàn lại nằm ở chất lượng công trình bán phí cho người dân. Bởi cầu Phú Mỹ bắt đầu thu phí từ 1.4.2010, thì sau đó không lâu xuất hiện lún nghiêm trọng tại khu vực cầu Kỳ Hà 1 và 4 nằm trên phần đường dẫn phía Q.2. Nghiêm trọng hơn, lớp bê tông mặt đường bong tróc rất nhanh, xuất hiện chi chít "ổ voi", "ổ gà" trên hơn 3 km đường dẫn. Bởi vậy, không khó để hình dung nỗi bức xúc của các tài xế, khi vừa đóng tiền tại TTP là đối mặt ngay với con đường dẫn "xấu đau, xấu đớn" phía trước - cảm giác giống như phải trả tiền để mua sản phẩm kém chất lượng. Rõ ràng, hiện đại hóa hệ thống thu phí là cần thiết, song việc đảm bảo chất lượng công trình đang bán phí cho người dân là một nguyên tắc trao đổi sòng phẳng mà chủ đầu tư cầu Phú Mỹ cần đặt lên hàng đầu.
Thanh Niên đã từng lên tiếng về những bất cập của hệ thống TTP cả nước, trong đó có chuyện người dân phải trả phí cao để đi trên những con đường, cây cầu hư hỏng, song đến nay tình hình vẫn không mấy biến chuyển. Thực tế, cùng với phí giao thông trong xăng dầu, xe cộ đang phải gánh những khoản phí cầu đường rất nặng, trong khi chất lượng được thụ hưởng không hề tương xứng. Đáng nói là người dân gần như không có sự lựa chọn nào khác. Chẳng hạn, từ TP.HCM đi Hà Nội có mỗi QL 1A nhưng đến 19 TTP án ngữ, với mức phí cao gấp 1,5 - 2 lần mức cơ bản Bộ Tài chính quy định, trong khi đó, nhiều đoạn QL 1A chật hẹp, xuống cấp thê thảm, điển hình như đoạn qua trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) hay trạm Bàn Thạch (Phú Yên)... Tương tự, phần lớn QL 14 - tuyến giao thông huyết mạch nối liền 4 tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ - cũng tơi tả, xuống cấp dù có đến 4 TTP.
Thời gian qua, hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực hạ tầng ngày một nở rộ, trong khi chưa có một quy hoạch bài bản về hệ thống TTP cả nước và từng địa phương, cũng như các quy định quản lý đi kèm. Theo ông Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN, quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý, giám sát từ phía cơ quan chức năng, cùng những điều khoản ràng buộc chặt chẽ trong hợp đồng BOT, nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa người thu phí (nhà đầu tư) và người trả phí (người dân). Bởi, công trình hạ tầng, cũng như bất kỳ món hàng hóa trao đổi nào khác, đều phải đảm bảo nguyên tắc "thuận mua, vừa bán" - hay nói cách khác giá thành cần tương xứng chất lượng. Sẽ là bất công khi để doanh nghiệp đẩy cái khó về phía người dân bằng cách "phí thu cứ thu, đường xuống cấp mặc đường" như thời gian qua.
Phương Thanh
Bình luận (0)