Vậy các trường ĐH có phương án ra sao với số tiền học phí (HP) sinh viên đã đóng dư trước thời điểm nghị quyết ban hành?
Học phí năm học 2022 - 2023
Ngày 20.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165 về HP đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Riêng với các cơ sở giáo dục ĐH công lập, nghị quyết quy định HP giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ (Nghị định 81 quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo).
Nghị quyết này được ban hành sau những kiến nghị của Bộ GD-ĐT nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Sinh viên trúng tuyển năm 2022 làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Chiếu theo Nghị định 81, HP giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ có mức trần năm học 2021 - 2022 bằng mức trần năm học 2020 - 2021, dao động từ 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm học (10 tháng). Với trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, HP tùy khối ngành đào tạo dao động từ 20,5 - 50,5 triệu đồng/năm học. Như vậy, thay vì áp dụng mức trần HP năm học 2022 - 2023 theo lộ trình tăng của Nghị định 81 với trường công chưa tự chủ (mức 12 - 24,5 triệu đồng/năm), thì HP theo Nghị quyết 165 sẽ thấp hơn từ 2,2 - 10,2 triệu đồng/năm học/sinh viên tùy khối ngành.
Khối trường ĐH tự chủ, HP áp dụng theo Nghị quyết 165 với mức từ 20 - 50 triệu đồng/năm, cũng thấp hơn nhiều so với mức trần năm học 2022 - 2023 trong Nghị định 81. Theo Nghị định 81, năm học này trường công tự đảm bảo chi thường xuyên có mức trần từ 24 - 49 triệu đồng. Trường công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư mức trần lên tới 30 đến trên 61 triệu đồng. Như vậy, HP các trường ĐH công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đều thấp hơn trên dưới 10 triệu đồng.
Phụ huynh và thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học, đóng học phí |
đào ngọc thạch |
Giải pháp từ các trường
Nhiều cơ sở giáo dục ĐH cho biết sẽ ban hành quy định HP mới theo tinh thần Nghị quyết 165 của Chính phủ, giữ ổn định HP năm học này như năm học 2021 - 2022. Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường đang xây dựng thông báo HP theo đúng nghị quyết.
“Trường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nguyên tắc là HP đã thu hơn quy định thì sẽ điều chỉnh lại cho người học. Việc điều chỉnh có thể thông qua hoàn lại tiền hoặc cấn trừ vào HP học kỳ sau”, tiến sĩ Hùng cho biết.
Ý KIẾN
Nên cấn trừ vào học phí học kỳ tới
Em nghĩ các trường ĐH có thể cấn trừ vào học phí của học kỳ sau thay vì trả lại cho từng sinh viên. Điều này sẽ bớt rối cho các trường khi có số lượng người học lớn hàng ngàn sinh viên.
V.U (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Hai hướng giải quyết tùy trường hợp
Quan điểm của em có 2 hướng. Nếu số tiền HP sinh viên đã đóng dư không nhiều, trường có thể cấn trừ vào học kỳ tiếp theo để tiện cho cả nhà trường và sinh viên. Nhưng trường hợp số tiền dư nhiều và thời gian đóng học phí học kỳ tiếp theo còn xa, trường nên chuyển khoản trả lại cho người học.
Hoàng Đình Huy (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết trước đợt tuyển sinh năm 2022 trường đã công bố lộ trình tăng HP dự kiến cho năm học này. Tuy nhiên, khi nghị quyết được ban hành, trường sẽ thực hiện mức thu HP năm học 2022 - 2023 đúng với tinh thần của Chính phủ và đảm bảo quyền lợi người học.
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thì cho biết HP khóa tuyển sinh 2022 của trường sẽ thực hiện theo Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của trường. Theo đó, HP khóa tuyển sinh này vẫn tính theo mức thu mới là không quá 2 lần mức trần của Nghị định 81 áp dụng cho năm học 2021 - 2022. Còn các khóa tuyển sinh từ năm 2021 trở về trước, HP không tăng theo lộ trình Nghị định 81, tức bằng năm học 2021 - 2022.
“Đầu năm mới trường sẽ có thông báo đơn giá tín chỉ HP mới. Riêng khóa 2022 trường mới tạm thu HP 1/2 năm học nên sinh viên chắc chắn sẽ đóng thêm dựa vào thực tế điều chỉnh đơn giá mới và phần chênh lệch. Còn sinh viên khóa 2021 trở về trước, số tiền dư sẽ cấn trừ vào HP học kỳ 2”, thạc sĩ Trần Vũ thông tin thêm.
Khá đặc biệt, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện đã tiến hành cho sinh viên đăng ký học phần và đóng HP học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 từ cuối tháng 10.2022. Theo một đại diện của trường thì đến thời điểm này trường đã hoàn tất việc thu HP học kỳ 2 năm học này. Mức HP trường đã thu của sinh viên trúng tuyển khóa 2022 dựa vào mức trần năm học 2022 - 2023 trong Nghị định 81 với trường tự chủ. So với năm học trước đó, số tiền HP mà sinh viên đã đóng hiện đang dư trung bình khoảng trên 2 triệu đồng/người. “Chờ thêm hướng dẫn của Bộ, trường sẽ đưa ra phương án cấn trừ số tiền HP sinh viên đóng dư vào học kỳ 3 hoặc học kỳ 1 của năm học tới”, đại diện này cho hay.
Trong khi đó một số trường ĐH đã công bố không tăng HP ngay từ đầu năm học như: Nha Trang, Đà Lạt, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM…
Bình luận (0)